Thời sự
Thực hiện cam kết quốc tế về phân phối thuốc
Trung Đặng - 26/06/2017 15:26
Việt Nam chưa cam kết mở cửa dịch vụ phân phối dược phẩm tại biểu cam kết dịch vụ trong WTO của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế song phương và đa phương đã được ký kết.

Việc bảo lưu quyền phân phối cho các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tạo cơ hội phát triển ngành dược mà còn mang một ý nghĩa quan trọng về đảm bảo an ninh y tế quốc gia.

Tầm quan trọng của phân phối dược phẩm và phát triển hệ thống phân phối dược phẩm có ý nghĩa rất lớn trong việc việc đảm bảo luôn sẵn có, đủ thuốc với chất lượng cao đáp ứng kịp thời nhu cầu về thuốc thiết yếu phòng, chữa bệnh cho nhân dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi, đảm bảo thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế toàn dân của Chính phủ. Đồng thời, việc bảo lưu quyền phân phối sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp dược Việt Nam  tập trung đầu tư sản xuất thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị trong nước, tạo lợi thế để từng bước hình thành các doanh nghiệp phân phối thuốc lớn, chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động trong cung ứng, phân phối thuốc.

Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam có thực sự tận dụng được lợi thế này?

Năm 2007, khi Việt Nam ký kết Hiệp định và tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO),  nền sản xuất thuốc của Việt Nam vẫn ở thời kỳ đầu của phát triển, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư gia tăng số lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất, chưa tập trung phát triển mạnh kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường. Đa phần các doanh nghiệp sản xuất tự tổ chức phân phối nhỏ lẻ, thị trường manh mún, khó cạnh tranh. Vì thế miếng bánh phân phối thuốc vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, một cách không chính thống.

Cụ thể,  một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FIE) có đăng ký hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam đã liên kết với một số doanh nghiệp dược trong nước để thực hiện việc “phân phối núp bóng”. Tức là, các doanh nghiệp dược của Việt Nam nhập khẩu rồi bán thuốc theo sự điều khiển của các doanh nghiệp FIE ở tất các các khâu, từ quy định giá bán, đối tượng bán, đến thời điểm xuất kho, phương pháp tiếp thị, nhận đơn đặt hàng, vận chuyển, thanh toán.

Hoạt động của các doanh nghiệp dược Việt Nam trong mối liên kết này phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp FIE và chỉ được hưởng một khoản phí rất thấp, chỉ khoảng 0,3%. Năm 2016 chỉ với 03 doanh nghiệp FIE hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam (công ty mẹ tại nước ngoài cung cấp thuốc) có doanh số phân phối thuốc tại Việt Nam là 1,4 tỷ Đô la Mỹ, chiếm khoảng 50% tổng giá trị thuốc thành phẩm nhập khẩu và khoảng 30% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng một năm (4,2 tỷ Đô la Mỹ). Con số này sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa với doanh số phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng giảm.

Nếu tiếp tục để các doanh nghiệp FIE được phân phối trá hình như hiện nay thì ngoài việc các doanh nghiệp dược Việt Nam bị giảm thị phần, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sản xuất thuốc, mà quan trọng hơn cả là y tế  Việt Nam sẽ ngày càng lệ thuộc vào một số doanh nghiệp FIE. Các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể thao túng giá thuốc, điều phối thị trường, việc này có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh y tế. Khi mà thị trường dược phẩm gần như thuộc về vài nhà phân phối nước ngoài thì mục tiêu bình ổn giá thuốc, quyết tâm kiềm chế giá dược phẩm của chính phủ sẽ thực thi bằng cách nào?

Các hiệp định song phương, đa phương, các cam kết quốc tế đã có nhưng thực trạng phân phối thuốc ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Và những vấn đề này có được giải quyết hay không, khi Luật dược 2016 được thực thi và nghị định 54/2017/NĐ-CP được thi hành?

Nếu khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do cơ sở pháp lý có những điểm chưa rõ ràng, một số doanh nghiệp FIE đã lợi dụng để “phân phối núp bóng”, thì nay nghị định 54/2017/NĐ-CP đã làm rõ. Nghị định này nhằm triển khai nội dung cam kết đa phương và song phương, quy định chi tiết các hoạt động liên quan đến phân phối thuốc mà doanh nghiệp FIE không được thực hiện tại Việt Nam, trong khi vẫn đảm bảo toàn vẹn quyền nhập khẩu thuốc của các doanh nghiệp này. Theo đó, các doanh nghiệp FIE không được nhận vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc; không xác định, áp đặt giá bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối; không quyết định chiến lược phân phối, chính sách kinh doanh của thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối …

Vậy thị trường dược phẩm có bị ảnh hưởng gì khi nghị định 54/2017/NĐ-CP được thực thi?

Ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng các quy định về phân phối thuốc được nêu tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP là rất cần thiết trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư: “Việt Nam vừa phải đảm bảo an ninh y tế, người dân được hưởng các chính sách bảo hiểm y tế, đồng thời bảo đảm môi trường đầu tư đúng với các cam kết quốc tế, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty FIE có hoạt động lành mạnh, phù hợp với các quy định của pháp luật. Mặt khác, các doanh nghiệp FIE hiện đang kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc tại Việt Nam đều có thể điều chỉnh mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam để phù hợp với quy định và đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư”.

Tin liên quan
Tin khác