Thời sự
Thực hiện một cuộc cách mạng về thu hút đầu tư
Việt Hương - 23/02/2019 12:14
Trong khuôn khổ Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư - Xuân Kỷ Hợi 2019 của tỉnh Nghệ An, ông Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chia sẻ về những tiềm năng, lợi thế và cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Nghệ An.
Ông Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An .

Thưa ông, ông có thể khái quát kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật trong năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 của tỉnh Nghệ An?

Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, trên tuyến giao lưu Bắc - Nam và Đông -  Tây, cách Thủ đô Hà Nội 300 km và cách TP.HCM 1.400 km; phía Đông giáp biển, phía Tây giáp CHDCND Lào, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa. Nghệ An hội đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa; là cầu nối giữa hai miền Bắc - Nam và là cửa ngõ thông ra biển Đông của vùng Trung Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua cảng Cửa Lò. TP. Vinh là đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và cả khu vực Bắc Trung bộ.

Năm 2018, tốc độ GRDP của địa phương ước đạt 8,77%. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,04%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,04%; khu vực dịch vụ tăng 6,69%... nâng tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt trên 13.000 tỷ đồng (đạt 103,6% dự toán và tăng 3,7% so với năm 2017). GRDP đầu người ước đạt 38 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, Nghệ An đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế và cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo diễn đàn cho các nhà đầu tư trao đổi, tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, triển khai dự án đầu tư.

Trong năm qua, nhiều công trình trọng điểm đầu tư vào Nghệ An được hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Hiếu 2 (thị xã Thái Hòa), Dự án Bến xe Bắc Vinh, Dự án Nâng cấp đô thị Vinh (nguồn vốn Ngân hàng Thế giới - WB) và một số dự án lớn đang triển khai như: Đại lộ giao thông Vinh - Cửa Lò, đường nối Quốc lộ 1A lên các huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa…

Với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng là sự thành công của tỉnh”, năm 2019, mục tiêu của chúng tôi là xây dựng Nghệ An là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư. Chúng tôi mong muốn các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, nhà đầu tư góp ý, để tìm ra giải pháp xử lý các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư.

Năm 2019 được Nghệ An xác định là năm bản lề về cải cách thủ tục hành chính để cải thiện toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội của địa phương. Xin ông thông tin thêm về vấn đề này?

Trong 5 năm (từ năm 2014 đến hết năm 2018), tỉnh Nghệ An đã có những thành tựu đáng kể trong việc thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu vốn đầu tư, như: tăng tỷ trọng vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ; quan tâm thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch; tạo động lực căn bản cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 31/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Bên cạnh đó, tình hình thu hút đầu tư các dự án lớn (vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng/dự án) trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ năm 2014 đến hết năm 2018 đã thu hút 150 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 89.141 tỷ đồng. Đây là con số được các chuyên gia kinh tế đánh giá là khá chất lượng trong công cuộc thu hút đầu tư dòng vốn thực vào Nghệ An.

Tuy nhiên, không thỏa mãn với những gì đạt được, ngay từ đầu năm 2019, các ban, ngành chức năng của tỉnh Nghệ An đã tích cực bắt tay vào thực hiện một cuộc “cách mạng” về thu hút đầu tư. Đầu tiên là quy hoạch tổng thể, phân định các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp. Song song với đó là khẩn trương thực hiện đề án cải cách hành chính với cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” tạo sức hấp dẫn…

Nghệ An đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút các dự án lớn. Trong ảnh: Một góc TP. Vinh. Ảnh: Sỹ Minh

Trong những cuộc “ngồi lại với nhau” giữa các chuyên gia kinh tế với địa phương cũng đã có cái nhìn “sát sườn” về chiến lược thu hút đầu tư vào Nghệ An. Để tăng cường thu hút đầu tư trong thời gian tới, Nghệ An sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó là nhóm các giải pháp về quy hoạch, cơ chế, chính sách; giải pháp nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh hỗ trợ các nhà đầu tư; giải pháp về phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng…

Hội nghị gặp mặt nhà đầu tư nhân dịp đầu Xuân năm mới là một sáng kiến “đặc trưng” của Nghệ An. Vậy mục tiêu thu hút đầu tư của Nghệ An thời gian tới là gì, thưa ông?

Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Nghệ An đã mang lại kết quả tích cực, thể hiện qua bảng xếp hạng công bố trong năm 2018. Các chỉ số đo lường, chất lượng cải cách hành chính của địa phương có nhiều chuyển biến. Trong đó, Chỉ số Cải cách hành chính của Nghệ An xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2016; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng từ vị trí thứ 56 (năm 2009) lên vị trí thứ 32 (năm 2015) và thứ 21 năm 2018, đứng đầu trong 6 tỉnh Bắc Trung bộ.

Song song với các cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An cũng đưa ra các quy chế chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch để hai bên cùng có trách nhiệm thực hiện đúng tiến độ những cam kết. Bởi vậy, 2 năm qua, hầu hết các dự án đăng ký đầu tư vào Nghệ An đều được triển khai nhanh chóng và hiệu quả, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 60%.

Số lượng các nhà đầu tư quan tâm và đầu tư tại Nghệ An ngày càng nhiều, trong đó, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã đầu tư vào Nghệ An như: Tập đoàn TH và Ngân hàng Bắc Á (24 dự án, vốn đăng ký 29.887 tỷ đồng), Vingroup (3 dự án, vốn đăng ký 7.300 tỷ đồng), Masan (4 dự án, vốn đăng ký 4.700 tỷ đồng), FLC (4 dự án, vốn đăng ký 11.000 tỷ đồng)... Đặc biệt, Nghệ An thu hút được các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng như VSIP, Hemaraj với tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng.

Mục tiêu của Nghệ An hiện nay là thu hút đầu tư phát triển các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đầu tư chiều sâu, hiện đại, nâng cao hiệu quả khai thác gắn với chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường. Phát triển công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước theo hướng hiện đại; Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp. Tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị VSIP Nghệ An, Khu công nghiệp Hemaraj, Khu công nghiệp Nam Cấm, Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, Khu công nghiệp Đông Hồi...

Tin liên quan
Tin khác