Tận hưởng niềm vui ngày… phục hồi
Khi bài báo này lên khuôn, thì vẫn chưa tới ngày Tổng cục Thống kê công bố số liệu chính thức về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2022 và 9 tháng đầu năm, nhưng cánh phóng viên kinh tế đã nói với nhau từ lâu rồi, rằng các số liệu sẽ “đẹp”.
Đẹp là dễ hiểu, bởi nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. 6 tháng, GDP tăng trưởng 6,42%, trong đó riêng quý II tăng 7,72%. Quý III năm ngoái, GDP tăng trưởng âm 6,17%, nên càng có cơ sở để tin rằng, tăng trưởng kinh tế quý III năm nay sẽ rất cao, để cả năm, có thể vượt mục tiêu 6 - 6,5% đề ra.
Kinh tế phục hồi, thì phóng viên kinh tế vui. Đã gần 3 năm nay, kể từ đầu năm 2020, khi Covid-19 ập đến, kinh tế - xã hội Việt Nam đối mặt với những thách thức chưa từng có. Chính phủ bận rộn lo điều hành. Địa phương vất vả lo hỗ trợ duy trì sản xuất - kinh doanh. Các doanh nghiệp oằn mình chống chịu với dịch bệnh, với suy giảm sản xuất. Cánh phóng viên, vì thế, cũng bận mải theo, cũng thức - ngủ cùng nền kinh tế, cùng nỗi lo chung của cả đất nước.
Mỗi chỉ số sụt giảm là kèm theo những tiếng thở dài. Mỗi lời quan ngại của chuyên gia là kèm theo đau đáu nỗi lo nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn nữa. Hẳn nhiên, có nỗi lo rất riêng, là kinh tế khó khăn, doanh nghiệp vất vả, thì “nồi cơm” của báo chí cũng bị hao hụt, nhưng hơn hết là nỗi lo cho nền kinh tế, cho đất nước. Không hề là những lời sáo rỗng, đó là nỗi lo tự sâu thẳm trong tim của mỗi nhà báo có trách nhiệm.
Bởi thế, chúng tôi lại miệt mài… dấn thân. Không biết có thể gọi thế là dấn thân không nữa, nhưng với chúng tôi, đó đơn giản là trách nhiệm của mỗi nhà báo, trách nhiệm với bạn đọc, với xã hội, với đất nước.
Hiểu rằng, đó là trách nhiệm để miệt mài đến từng doanh nghiệp, vào từng dự án, từng địa phương… để lắng nghe tiếng lòng, để hiểu hết những khó khăn, vất vả của doanh nghiệp, để từng cái tin, từng bài viết, mỗi chữ đều được cân nhắc bằng cái tâm của một nhà báo chân chính. Mục tiêu cuối cùng là làm sao có thể chuyển tải tới bạn đọc những thông tin mới nhất, chính xác nhất, có trách nhiệm nhất về nền kinh tế; làm sao để trở thành cầu nối giữa người dân, cộng đồng doanh nghiệp… với các cơ quan hoạch định chính sách, với Chính phủ…
Làm báo bằng cả tấm lòng và sự dấn thân, nên khi nghe doanh nghiệp kia được “gỡ rối” là vỡ òa trong cảm xúc mừng vui. Đón nhận tin nền kinh tế đang phục hồi, lúc đầu là từng bước, từng bước, rồi sau đó là bứt lên mạnh mẽ, mà khôn xiết vui mừng!...
Thủ tướng Chính phủ vẫn nói nhiều về vai trò quan trọng của công tác truyền thông, nhất là trong tạo sự đồng thuận trong xã hội về các chính sách điều hành của Chính phủ. Có thể nào chăng, trong thành tựu hôm nay của nền kinh tế, có đóng góp nhỏ nhoi của những nhà báo như chúng tôi? Nghĩ thế, càng tự thấy vui trong lòng…
Thức, ngủ cùng… nền kinh tế
Vui đấy, mà cũng lo đấy. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đều đã nói rằng, dù kinh tế đang phục hồi, nhưng thách thức, khó khăn vẫn còn rất lớn, thậm chí, những rủi ro, khó khăn còn lớn hơn cả thuận lợi…
Vừa mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp, thêm 0,75 điểm phần trăm. Khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu: “Chúng ta bắt buộc phải chiến thắng lạm phát. Tôi ước rằng, có một cách ít đau đớn hơn để làm điều đó, nhưng tiếc là không có”, thì Chính phủ Việt Nam cũng đang lo lắng không kém.
Giống như lần trước, ngay khi Fed tăng lãi suất, các cuộc họp bàn về ổn định kinh tế vĩ mô đã được Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Suốt từ đầu năm tới nay, dù kinh tế phục hồi, nhưng song song với đó là nỗi lo lạm phát cao quay trở lại. Mỹ, châu Âu đang quay cuồng trong lạm phát, nhẽ nào Việt Nam đứng ngoài cuộc? Kinh tế Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… đang khó khăn mọi bề vì xung đột Nga - Ukraine chưa dứt, Covid-19 cũng vẫn còn là “bóng ma” lơ lửng, nhẽ nào kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng?
Đó là chưa kể những khó khăn trong nội tại nền kinh tế, mà cho đến nay, chưa thể sớm tháo gỡ, từ giải ngân vốn đầu tư công chưa được như kỳ vọng, đến số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều, rồi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội còn chậm…
Rồi còn biết bao vấn đề nóng hổi của nền kinh tế mà cho đến nay, vẫn chưa thể giải quyết một cách thấu đáo. Từ làm sao phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách lành mạnh, rồi tiếp tục kiểm soát giá xăng bằng cách nào, hay chuyện nên hay không nới room tín dụng, làm sao để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển…
Lo ổn định kinh tế vĩ mô, một đề án về vấn đề này đã được xây dựng. Nhưng ổn định bằng cách nào khi mà nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu. Hơn thế, ổn định kinh tế vĩ mô đâu phải chỉ đơn thuần là kiểm soát lạm phát, mà còn là các vấn đề về các cân đối lớn của nền kinh tế, sự ổn định của hệ thống tài chính, là làm sao thu hút được đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả…
Biết bao diễn biến của nền kinh tế, biết bao nỗi lo lớn, biết bao rủi ro, thách thức khôn lường. Chưa kể, kinh tế phục hồi dù 7% hay 7,5% trong năm nay chăng nữa, thì chặng đường phía trước cũng còn lắm chông gai, nhất là khi Đảng, Nhà nước đang từng bước thực hiện khát vọng to lớn vào các năm 2030-2045.
Rất nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ. Vô cùng nhiều rào cản phía trước. Thế nên, dù nền kinh tế đã phục hồi, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư có cả một núi công việc cần phải giải quyết. Phóng viên kinh tế, vì thế, cũng chưa thể thảnh thơi. Phải tiếp tục thông tin, tìm hiểu, phân tích, mổ xẻ đến tận dùng vấn đề. Để làm rõ hơn các vấn đề của nền kinh tế. Để kết nối thông tin. Để làm sao cả hệ thống chính trị tiếp tục đồng thuận, ủng hộ…
Phóng viên chúng tôi sẽ lại một lần nữa nói câu “đồng hành”, sẽ lại tiếp tục thức - ngủ cùng nền kinh tế… Lại tiếp tục đứng sau máy ảnh, sau ống kính máy quay, cần mẫn, trách nhiệm để một lần nữa dấn thân và thực hiện sứ mệnh đồng hành cùng nền kinh tế…