Sức khỏe doanh nghiệp
Thực phẩm Sao Ta (Fimex): Doanh số sẽ không tăng mạnh ở các tháng cuối năm
Thanh Thủy - 04/10/2022 08:16
Ảnh hưởng lạm phát toàn cầu sẽ kéo sức tiêu thụ các sản phẩm của Sao Ta. Người đứng đầu Fimex cho rằng, doanh số sẽ không tăng mạnh ở những tháng cuối năm, nhưng vẫn hoàn thành kế hoạch.
Tình hình lạm phát toàn cầu tác động trực tiếp đến sức cầu tiêu thụ của ngành tôm và Fimex.

Cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, mã FMC) cho biết doanh số tiêu thụ tháng 9 đạt 181,7 triệu USD, bằng 117,5% so cùng kỳ và hiện hoàn thành 79% kế hoạch năm.

Trong đó, tôm thành phẩm chế biến đạt 16.068 tấn, bằng 98,5% so cùng kỳ năm 2021. Tôm thành phẩm tiêu thụ  đạt 14.543 tấn, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2021. Đối với mặt hàng nông sản, khối lượng thành phẩm đạt 1.642 tấn, tăng 96% so cùng kỳ năm 2021; trong khi đó khối lượng tiêu thụ đạt 1.450 tấn, tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2021.

Số liệu trên cho thấy doanh số tháng 9 thấp hơn tháng liền trước. Tuy doanh số giảm, lợi nhuận tháng 9 vẫn có lãi tốt do sử dụng tôm tự nuôi cho chế biến, có giá thành rẻ.

Lãnh đạo Fimex cho biết hoạt động nuôi tôm đang tiến hành thu tỉa và thu hoạch phục vụ chế biến. Dù tôm phát triển không bằng mùa thuận nhưng so mặt bằng chung thì tốt hơn hẳn, có lãi. Việc tổ chức nuôi tôm mùa nghịch đã được Fimex thực hiện nhiều năm nay. Ngoài nhằm tăng chủ động nguyên liệu, tăng sức thuyết phục khách hàng về khả năng kiểm soát cả tiến trình tạo ra sản phẩm, nuôi tôm mùa nghịch còn giúp giảm giá thành sản phẩm cuối cùng nếu kết quả nuôi khả quan.

Fimex đang tiến hành cải tạo khu mới 203 hecta để có thể thả nuôi ở quý II/2023. Công ty cũng đang nỗ lực hoàn tất nhà máy mới. Tiến độ hiện chậm trễ hơn so với kế hoạch do bên cung ứng thiết bị, máy móc nước ngoài giao chậm vì thiếu vật tư sản xuất và khâu vận chuyển chậm trễ. Tuy nhiên, việc này không gây áp lực vì sản lượng nguyên liệu chỉ mức vừa phải.

Theo lãnh đạo công ty, ảnh hưởng lạm phát toàn cầu sẽ khiến sức tiêu thụ từ nay đến cuối năm không cao. Phía công ty cũng cho biết các thị trường chính tiêu thụ tôm gặp nhiều bất lợi khi lạm phát trên thế giới ngày thêm xấu hơn. Giá đồng Euro, đồng Bảng, đồng Yên xuống thấp làm giảm sức mua tại châu Âu, Anh và Nhật Bản. Tại thị trường Mỹ, đồng USD lên giá nhưng tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ lại cạnh tranh mạnh. Trong bối cảnh khó đó, tình hình nuôi tôm trong nước lại không tốt khiến giá tôm thương phẩm duy trì ở mức khá cao, thêm bất lợi cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tôm có thể còn giảm mạnh so những tháng trước đây.

Doanh số tiêu thụ của Fimex sẽ không tăng mạnh ở những tháng cuối năm. Tuy nhiên, ban điều hành vẫn tự tin vẫn bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm chỉ tiêu doanh số và lợi nhuận.

Với các lợi thế cạnh tranh hiện có, Fimex cho biết sẽ tập trung bán thị trường gần để không phải chịu chi phí thuê tàu vận chuyển quá cao. Công ty cũng sẽ tập trung vào khách hàng tiêu thụ sản phẩm tinh chế, bởi đây cũng là thế mạnh của Fimex. Đây cũng là chiến lược công ty đã thực thi từ đầu năm 2021, đến nay có kết quả khả quan.

Tin liên quan
Tin khác