Sức khỏe doanh nghiệp
Thực phẩm Sao Ta kỳ vọng tăng trưởng nhờ CP Việt Nam
Khắc Lâm - 05/04/2022 14:11
Việc hoàn tất phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là CP Việt Nam giúp Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) hoàn thiện chuỗi giá trị, nâng cao khả năng tự chủ nguyên liệu đầu vào.
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Trung

Doanh số đầu năm tăng mạnh

Theo kết quả sơ kết hoạt động của Thực phẩm Sao Ta, trong tháng 2/2022, doanh số tiêu thụ đạt 11,3 triệu USD, tăng 18,95% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo nhóm mặt hàng, thành phẩm nhập kho tôm đạt 1.276 tấn, tăng 40,5% và thành phẩm nông sản đạt 148 tấn, gấp 2,8 lần tháng 2/2021. Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ của Thực phẩm Sao Ta đạt 40,2 triệu USD, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2021.

CTCP Chứng khoán SSI đánh giá, sản lượng 2 tháng đầu năm nay của Thực phẩm Sao Ta tăng mạnh nhờ Nhà máy Tâm An mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. Bên cạnh đó, giá bán tôm bình quân trong 2 tháng đầu năm cũng cải thiện (lên 12,1 USD/kg so với mức trung bình năm 2021 là 11,2 USD/kg).

Trước đó, Thực phẩm Sao Ta đã có một năm kinh doanh khá thành công, với 5.199,1 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 17,8% so với kết quả của 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 286,9 tỷ đồng, tăng 27%, qua đó hoàn thành vượt 12% mục tiêu về doanh thu và vượt 15,6% mục tiêu về lợi nhuận mà đại hội đồng cổ đông thường niên đặt ra.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, kết quả kinh doanh của Thực phẩm Sao Ta tăng trưởng mạnh có phần nhờ nhu cầu phục hồi tại thị trường Mỹ giúp hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn. Mỹ đã vượt qua châu Âu để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thực phẩm Sao Ta trong năm 2021. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu giảm do công suất chế biến thấp trong thời gian giãn cách xã hội và nguồn cung dồi dào cũng góp phần giúp biên lợi nhuận gộp của Công ty cải thiện, bù đắp sự gia tăng của chi phí vận chuyển.

Chờ đợi hiệu quả từ các nhà máy mới

Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu tại Việt Nam với trên 320 ha diện tích vùng nuôi, có khả năng cung cấp 30% nguyên liệu tôm đầu vào cho sản xuất. Sau khi Nhà máy Tâm An với công suất chế biến 5.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ tháng 1/2022, năng lực chế biến của Công ty đã nâng lên 30.000 tấn/năm và sẽ còn tăng lên sau khi nhà máy Sao Ta với công suất chế biến 15.000 tấn/năm dự kiến đi vào hoạt động trong quý III năm nay.

Công suất chế biến dự kiến tăng thêm 20.000 tấn/năm trong năm 2022 từ hai nhà máy mới, gần tương đương công suất trước đó, được kỳ vọng là động lực quan trọng cải thiện kết quả kinh doanh của Công ty trong năm 2022, trong bối cảnh sức mua tại các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, châu Âu, Nhật… dự báo tiếp tục hồi phục.

Việc tăng dự trữ nguyên liệu sản xuất cũng sẽ giúp Công ty giảm ảnh hưởng bởi xu hướng tăng giá nguyên vật liệu. Tính đến cuối quý IV/2021, báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, giá trị hàng tồn kho là 940,8 tỷ đồng, tăng 54,7% so với đầu năm và chiếm gần 35% tổng tài sản.

Tuy vậy, hoạt động kinh doanh của Công ty năm nay cũng phải đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tác động lên chuỗi logistics toàn cầu và làm giá cước vận tải cũng như giá thuê container rỗng tăng lên.

Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh tiêu thụ vào các thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc được kỳ vọng giúp giảm ảnh hưởng của chi phí vận chuyển cao so với xuất khẩu sang các thị trường xa như Mỹ, châu Âu.

Một khó khăn khác mà Công ty phải đối mặt đến từ áp lực tăng chi phí thức ăn chăn nuôi khi giá các nguyên liệu nông sản thô và giá cước vận chuyển tăng mạnh thời gian qua.

Tuy vậy, việc hoàn tất phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam vào cuối năm 2021, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của CP Việt Nam tại Thực phẩm Sao Ta lên 24,9%, sẽ giúp Công ty hoàn thiện được chuỗi giá trị, nâng cao khả năng tự chủ nguyên liệu đầu vào. Đây cũng là một trong những nội dung chính được công bố tại đại hội đồng cổ đông Sao Ta tới đây.

Tin liên quan
Tin khác