Ảnh minh họa |
Thị trường khổng lồ
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường RCEP diễn ra ngày 27/5, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại thị trường này lên tới 67,3 triệu tấn/năm, mở ra thời cơ rất tốt cho doanh nghiệp Việt tăng tốc xuất khẩu.
Theo ông Lai, RCEP mở cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực, đồng thời giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia…, nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Với Australia, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 128,1 triệu USD, tăng tới 53,8% so với cùng kỳ năm 2021.
RCEP mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung cho sản xuất trong toàn ASEAN.
Xơ sợi cũng có nhiều thuận lợi khi RCEP có hiệu lực. Trong năm 2021, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại của Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD, tăng 50,2%, riêng thị trường Trung Quốc nhập gần 3 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Với đặc thù nguồn nguyên liệu nhập khẩu đến phần lớn từ Trung Quốc, ASEAN - thành viên của RCEP, nên doanh nghiệp xuất khẩu có thể lựa chọn RCEP để có ưu đãi cao nhất, thuận lợi nhất.
Triển vọng xuất khẩu với ngành điều cũng rất đáng kể. Với quy mô xuất khẩu trên 3,6 tỷ USD năm 2021, ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, sản phẩm nhân điều chế biến sâu có thuế nhập khẩu trước khi ký RCEP là 5% và sau khi ký kết hiệp định là 0%. Đây là yếu tố thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến sâu đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường này trong thời gian tới.
Năm 2021, thị trường RCEP chiếm 17,25% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, Trung Quốc chiếm 10,56% thị phần.
Hạt điều của Việt Nam cũng đang chiếm thị phần nhập khẩu vượt trội tại nhiều quốc gia thành viên RCEP, như chiếm 99% thị phần nhập khẩu nhân điều của Australia, 97,8% của Trung Quốc, 97,66% của New Zealand, 78,61% của Hàn Quốc, 55,22% của Nhật Bản…
Củng cố chuỗi cung ứng
RCEP đi vào thực thi không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, mà còn tạo nên chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, điểm khác biệt tạo nên tính đặc thù của RCEP là gắn với mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng của khu vực. Đây không chỉ là hiệp định thương mại và đầu tư, mà còn gắn Việt Nam với một sân chơi lớn, đó là chuỗi sản xuất trong khu vực.
“RCEP đặt quan hệ hợp tác của Việt Nam trong khu vực sang một chương mới, khi thu hút sự quan tâm của một loạt đối tác thương mại mới. RCEP giúp gia tăng xuất khẩu, tăng thu nhập cho nền kinh tế, thông qua việc giảm bớt các rào cản thuế quan và phi thuế quan cũng như những sáng kiến liên quan đến cơ chế một cửa hay hoạt động thương mại không giấy tờ…, từ đó giúp hoạt động thương mại diễn ra nhanh hơn, kịp thời, ít chi phí hơn, có quy mô lớn hơn”, ông Dương
phân tích.
Khẳng định RCEP sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và Việt Nam sẽ trở thành một “mắt xích” của chuỗi cung ứng đó, tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho hay, khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng gia tăng, Việt Nam sẽ giảm được nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo bà Trang, một trong những điểm đáng chú ý nhất của RCEP là hiệp định được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp khi cho phép xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
“Nếu như ở CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may, bởi quy tắc xuất xứ nội khối vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, thì khi tham gia RCEP, gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sẽ giảm bớt nhờ những ưu đãi thuế quan”, bà Trang phân tích.