Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) trao đổi về những nội dung mà doanh nghiệp cần lưu ý khi thực thi RCEP.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) |
RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) mới nhất vừa đi vào thực thi từ đầu năm nay, đã và đang tạo thêm xung lực mới gì cho doanh nghiệp Việt Nam, thưa bà?
RCEP là FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia với các nước ASEAN và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, vốn là những đối tác có trao đổi thương mại lớn cả về xuất, nhập khẩu. Hiệp định tạo ra thị trường lớn đầy tiềm năng cho xuất khẩu khi tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu, ngoài ra còn gắn doanh nghiệp Việt Nam với mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng lớn trong khu vực.
RCEP thực thi mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc có thêm một con đường mới về xuất khẩu cũng như nhập khẩu với các đối tác trong khối. Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi 14 FTA, cộng với RCEP là 15, trong đó có nhiều FTA với những đối tác trong khối này, tạo cho các doanh nghiệp có thêm lựa chọn sử dụng FTA nào để có ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu tốt nhất cả về phi thuế quan lẫn chuẩn hóa các tiêu chuẩn… Nói cách khác, là doanh nghiệp có thêm con đường mới để đi trong chiến lược kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của mình.
Lấy ví dụ, nếu doanh nghiệp xuất khẩu điện thoại sang Hàn Quốc, mà Việt Nam - Hàn Quốc đã có 2 FTA trước đó, doanh nghiệp nên tận dụng theo FTA nào để có ưu đãi thuế quan tốt nhất?
Hiện nay, Việt Nam có 15 FTA, tất cả các FTA này đều có hiệu lực song song với nhau. Với Hàn Quốc, chúng ta đang có 3 FTA thực thi (ASEAN - Hàn Quốc, FTA song phương Việt Nam - Hàn Quốc và RCEP), sắp tới biết đâu còn có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nữa. Như tôi đã nói, mỗi FTA đều có cam kết riêng, kèm theo đó là tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi. Rõ ràng, doanh nghiệp đứng trước nhiều lựa chọn để được ưu đãi theo các FTA này.
Trong trường hợp cụ thể, tùy vào quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng của sản phẩm thế nào, doanh nghiệp xem hàng hóa của mình đáp ứng được quy tắc xuất xứ của FTA nào thì hưởng ưu đãi thuế quan của FTA đó. Nếu cùng lúc doanh nghiệp đáp ứng được quy tắc xuất xứ của cả 3 FTA thì hãy chọn FTA có ưu đãi thuế quan tốt nhất. Thậm chí, doanh nghiệp nên để ý ngay từ khi tiếp thị, đàm phán đơn hàng với đối tác nhập khẩu. Đôi khi khách hàng không biết có FTA, thì doanh nghiệp phải đề cập, vì thuế nhập khẩu do nhà nhập khẩu nộp, nên với cam kết có trong FTA, nhà nhập khẩu mua hàng của Việt Nam cũng tiết kiệm được phần thuế đó.
Các thành viên RCEP thuộc top đầu các nguồn FDI vào Việt Nam, các nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam cũng từ khu vực này. Với cam kết của RCEP, có lo ngại “cú sốc” nhập siêu từ RCEP hay không?
Cũng như các FTA khác, với RCEP, Việt Nam có cam kết về mở cửa thị trường cho các đối tác thông qua việc loại bỏ hàng rào về thuế quan, cắt giảm theo lộ trình nhất định và điều này tất nhiên sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa từ các nước này có thêm con đường vào Việt Nam. Về lý thuyết, ta phải chuẩn bị cho tình huống nhập khẩu từ khu vực này gia tăng. Điều này có thể tạo ra ảnh hưởng tương đối lớn trong bối cảnh các nước RCEP đang chiếm 70% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Từ góc độ đánh giá các cam kết của RCEP, thì nhập khẩu từ khối RCEP có thể sẽ tăng, nhưng sẽ không tạo ra một cú sốc lớn, làm thay đổi bất thường, hay khiến thị trường bị “lũ lụt” bởi hàng hóa nhập khẩu từ RCEP.
Lý do, trong RCEP, các nhà đàm phán đã đạt được kết quả tương đối hợp lý. Cam kết về ưu đãi thuế quan ở mức tương tự như chúng ta đã mở cho các nước RCEP. Hai là lộ trình tương đối dài, từ 15 đến 20 năm, không phải mở hết ngay.
Việt Nam đã là trung tâm sản xuất lớn, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, do đó việc nhập khẩu nguyên liệu gia tăng để phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là tất yếu?
Thực tế, trong một số trường hợp, việc nhập khẩu từ các nước RCEP là cơ hội để chúng ta gia tăng sản xuất hàng hóa xuất khẩu, như vậy không phải trong tình huống nào, nhập khẩu gia tăng cũng là xấu cho nền kinh tế, vấn đề phải nhìn tổng thể ở từng lĩnh vực cụ thể, đặt trong bối cảnh năng lực cạnh tranh và sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để có được phản ứng về chính sách và doanh nghiệp cần chuẩn bị chiến lược cạnh tranh ở thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, có một số trường hợp nhập siêu có thể bất lợi cho doanh nghiệp này, nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp khác, do đó, khi ta nhìn nhận về việc gia tăng nhập khẩu dưới tác động của RCEP, cần có cái nhìn thực tế, cụ thể và bám sát vào cam kết, ngành sản xuất và chiến lược của từng doanh nghiệp, ngành sản xuất cụ thể.
Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý những điểm gì để thực thi hiệu quả RCEP, thưa bà?
RCEP là thị trường rộng lớn, chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Với đặc điểm các quốc gia trong khối có trình độ không đồng đều, cũng không có cam kết chung về thuế quan, mà mỗi quốc gia sẽ có cam kết riêng cho từng đối tác, do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ khi có hoạt động kinh doanh với từng thành viên trong Hiệp định.
Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, SPS…, tìm hiểu kỹ các cam kết trong RCEP để vận dụng trong quá trình sản xuất, xuất khẩu sao cho có lợi nhất.