Theo đó, Công ty TNHH Khai thác Dịch vụ ThuDuc House có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực quản lý và kinh doanh chợ; kinh doanh bất động sản.
HĐQT cũng ủy quyền cho ông Đàm Mạnh Cường, Tổng giám đốc Thuduc House thực hiện các thủ tục để thành lập công ty con theo đúng quy định của pháp luật; Cử đại diện vốn và bổ nhiệm nhân sự phụ trách Ban điều hành tại Công ty con, đảm bảo đủ năng lực để điều hành và quản lý Công ty con theo đúng quy định.
Trước khi thành lập công ty này, Thuduc House đã có ý định muốn tham gia đầu tư chiến lược vào Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức (Thuduc Argomarket) – đơn vị đang quản lý, vận hành Chợ Nông sản Thủ Đức với tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ.
Doanh thu và lợi nhuận của Chợ Nông sản Thủ Đức trung bình mỗi năm lần lượt đạt khoảng 300 tỷ đồng và 42 tỷ đồng. Ảnh: Việt Dũng |
Trả lời thắc mắc của các cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, diễn ra vào ngày 20/4 về việc công ty muốn quay lại để nắm quyền kiểm soát Thuduc Argomarket, ông Đàm Mạnh Cường, Tổng giám đốc công ty nhấn mạnh Chợ Nông sản Thủ Đức là hình ảnh của Thuduc House và công ty chính là chủ đầu tư của Chợ Nông sản Thủ Đức. Trong khi đó, Thuduc Argomarket chỉ là đơn vị quản lý và kinh doanh.
Thuduc House đã có văn bản đề nghị được tham gia làm cổ đông chiến lược nắm trên 50% của Chợ Nông sản Thủ Đức. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ Thuduc House tham gia tại ĐHĐCĐ Thuduc Argomarket sáng ngày 20/4 chỉ có 39% và tỷ lệ không đồng ý là 61% nên nội dung này đã không được thông qua.
“Đây là một điều đáng tiếc cho công ty này bởi xét về mặt hồ sơ pháp lý, Thuduc House là chủ đầu tư của Chợ Nông sản Thủ Đức. Do đó, việc chúng tôi thành ý quay trở lại là rất nhẹ nhàng mà không có sự chuyển giao về mặt nhân sự”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng tiết lộ, Thuduc House dự kiến sẽ thành lập một Công ty quản lý chợ mới và sẽ yêu cầu chấm dứt việc quản lý kinh doanh của đơn vị hiện tại. Đồng thời sẽ để cho công ty mới của Thuduc House nắm giữ 100% vốn.
“Đây là một việc khá phức tạp do phải làm việc với UBND TP.HCM để xác định lại vai trò pháp lý của Thuduc House và đơn vị kinh doanh mới”, ông Cường nói và đồng thời cho rằng, điều này có thể sẽ gặp rủi ro về mặt truyền thông vì ảnh gặp phản ứng của các công ty quản lý hiện tại.
Ông Cường cũng cho biết thêm, doanh thu của Chợ Nông sản khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận 42 tỷ đồng mỗi năm và cổ tức bình quân 70 - 80%/năm.
“Nếu như Thuduc House quay trở lại theo phương án ban đầu thì hiệu quả sẽ rất thấp. Nhưng nếu chúng tôi thành lập công ty chợ mới và dành lại quyền kiểm soát thì chúng tôi sẽ nhận toàn bộ doanh thu và lợi nhuận này”, ông Cường nhấn mạnh.
Như vậy, việc Thuduc House thông qua nghị quyết thành lập thành lập Công ty TNHH Khai thác Dịch vụ ThuDuc House đang là một trong những bước đầu tiên giành quyền quản lý trở lại với Chợ Nông sản Thủ Đức.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, Thuduc House đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 791,4 tỷ đồng, tăng 4,7% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt hơn 342 tỷ đồng, trong khi năm trước âm 890 tỷ đồng. Dù liên tiếp báo lỗ trong 2 năm 2020 và 2021 nhưng ban lãnh đạo công ty cho biết kế hoạch trên là hoàn toàn khả thi, thậm chí số lãi dự kiến có thể cao hơn.
Theo website Công ty Thuduc Argomarket, chợ là công trình thực hiện theo chủ trương của Thành phố nhằm di dời các chợ đầu mối trong nội thành. Chợ được khởi công xây dựng vào năm 2002 với tổng số vốn lên đến 182,4 tỷ đồng do Thuduc House làm chủ đầu tư trên quy mô hơn 20ha.
Chợ bao gồm các khu nhà lồng chợ A, nhà lồng chợ B, nhà lồng chợ C và nhiều công trình phụ trợ như: nhà kho, khu quản lý, khu điều hành, khu sơ chế, nhà máy xử lý rác, trạm nước ngầm, trạm xử lý nước thải…
Trước đó, ngày 4/6/2020, HĐQT Thuduc House đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 1,8 triệu cổ phần (tương đương 49% vốn) tại Công ty Thuduc Argomarket với giá 48.400 đồng/cổ phần. Tổng giá trị chuyển chuyển nhượng đạt gần 88 tỷ đồng. Sau giao dịch này, Thuduc House không còn liên quan gì với Chợ Nông sản Thủ Đức.