Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ này không chỉ mang đến cơ hội cho nền kinh tế mà còn đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế, đặt Việt Nam trước thực trạng tìm kiếm giải pháp đảm bảo nguồn thu ngân sách đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) phát triển bền vững.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT nhanh nhất thế giới. Trong vòng năm năm qua, TMĐT tại Việt Nam đã trải qua một bước nhảy vọt ngoạn mục. Các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop là những địa chỉ mua sắm dẫn đầu thị trường, góp phần xây dựng nên một hệ sinh thái kinh tế số phức tạp. Nghịch lý nằm ở chỗ, càng phát triển nhanh, hệ thống quản lý càng khó kiểm soát các hoạt động giao dịch và kinh doanh TMĐT này. Các sàn giao dịch đang hoạt động với những luồng dữ liệu khổng lồ rất khó để giám sát hiệu quả.
Thách thức dữ liệu - Cuộc chơi không cân sức
Dữ liệu về giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử là yếu tố cốt lõi trong quản lý thuế, nhưng hiện nay, hệ thống thuế tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong thu thập và phân tích dữ liệu từ các sàn giao dịch TMĐT. Thực tế, các sàn TMĐT cung cấp nhiều dữ liệu thô cho cơ quan thuế, nhưng dữ liệu thường không đầy đủ và đồng bộ dẫn đến khó khăn trong khai thác và phân tích dữ liệu.
Livestream bán hàng trên các sàn TMĐT hiện rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay nhưng chưa có một hệ thống liên kết dữ liệu đủ mạnh để quản lý thanh toán điện tử và quản lý thuế. Ảnh: Lê Toàn |
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống liên kết dữ liệu đủ mạnh. Các nguồn thông tin từ ngân hàng, sàn TMĐT, hệ thống thanh toán điện tử vẫn hoạt động riêng biệt, chưa tạo nên một bức tranh toàn cảnh về dòng chảy tài chính số. Do thiếu hệ thống đối chiếu và xác thực dẫn đến khó khăn trong việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế.
● Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR): 11,21% trong giai đoạn 2024-2029
● Dự báo doanh thu năm 2029 sẽ đạt 23,65 tỷ USD
● Số lượng người dùng thương mại điện tử: Dự kiến sẽ vượt 35,99 triệu người vào năm 2029
Ngoài ra, tính chất giao dịch xuyên biên giới của TMĐT càng làm phức tạp thêm vấn đề. Một giao dịch có thể diễn ra giữa các quốc gia, qua nhiều nền tảng khác nhau, tạo ra một mê cung giao dịch khó nắm bắt. Công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), hứa hẹn mang đến những giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ này vào một hệ thống quản lý thuế truyền thống cũng đặt ra nhiều thách thức. Làm thế nào để một hệ thống cũ có thể theo kịp tốc độ đổi mới không ngừng của công nghệ?".
Kinh nghiệm quốc tế: Những mô hình thành công
Để hỗ trợ Việt Nam, dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam, đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức tài trợ, thông qua GIZ đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và cung cấp các khuyến nghị để góp phần tăng cường quản lý thuế đối với các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử.
Năm 2020, OECD thông qua Quy tắc mẫu quy định nghĩa vụ báo cáo của các sàn giao dịch điện tử đối với dữ liệu của người bán trong nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) và nền kinh tế Gig (Gig economy). Năm 2021, EU ban hành Chỉ thị 2021/514 dựa trên Quy tắc mẫu của OECD. Các quy định này nhấn mạnh yêu cầu minh bạch thông tin từ các nền tảng số, đồng thời mở rộng phạm vi quản lý sang nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế số. Những chính sách này nhằm thúc đẩy sự tuân thủ thuế ở cấp quốc gia mà còn tạo ra một môi trường minh bạch, công bằng và xuyên quốc gia, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý thuế số toàn cầu.
Từ năm 2008, cơ quan Thuế Úc (ATO) đã xây dựng một hệ thống đối chiếu dữ liệu hiệu quả trên nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường quản lý thuế và phát hiện các nguồn thu nhập không khai báo. Những lĩnh vực chính bao gồm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, hệ thống thanh toán chuyên biệt, bán hàng trực tuyến, cung cấp dịch vụ vận chuyển (ride-sourcing), đăng ký xe cơ giới và tiền mã hóa.
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quản lý thuế. Ảnh: Shutterstock |
Chương trình này đã trở thành một hình mẫu trong quản lý thuế số, giúp phát hiện các nguồn thu nhập chưa được khai báo, đồng thời kiểm tra hành vi và mức độ tuân thủ của các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng trực tuyến. Thông qua dữ liệu được thu thập từ các sàn giao dịch lớn như eBay Australia và Amazon Commercial Services, hệ thống thanh toán và ngân hàng, ATO đã tạo nên một cơ sở dữ liệu phong phú, hỗ trợ việc phân tích chi tiết danh tính, giao dịch và hành vi kinh doanh trên sàn TMĐT. Bên cạnh đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được tích hợp để phát hiện các giao dịch bất thường, giúp nâng cao khả năng giám sát và ngăn chặn các hành vi trốn thuế.
Việt Nam cần những giải pháp đồng bộ và toàn diện
Để khai thác tiềm năng của Việt Nam trong quản lý thuế các giao dịch trên sàn TMĐT, cần triển khai một chiến lược quản lý thuế toàn diện và đồng bộ. Tăng cường khuôn khổ pháp lý hiện hành tập trung vào trách nhiệm báo cáo của người điều hành nền tảng TMĐT là điều cần thiết, trong đó cần quy định rõ ràng về nghĩa vụ thuế và áp dụng các chế tài đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe và minh bạch. Sự hợp tác giữa các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ dữ liệu và xây dựng cơ sở thông tin thống nhất. Phá bỏ các rào cản thông tin và tạo lập hệ thống liên kết dữ liệu an toàn sẽ là tiền đề để nâng cao hiệu quả quản lý.
Cùng với đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cách mạng công nghệ trong quản lý thuế bằng cách đầu tư vào các hệ thống phân tích dữ liệu thông minh, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và tích hợp công nghệ blockchain nhằm tăng cường hiệu quả trong giám sát giao dịch. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về nghĩa vụ thuế thông qua các chương trình đào tạo và truyền thông, từ đó khuyến khích tinh thần tự nguyện tuân thủ.
Việt Nam đang từng bước cải thiện quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT. Tuy đây là một thách thức lớn, nhưng với các giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể khai thác hiệu quả “mỏ vàng” này, đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.