Doanh nghiệp
Thuế về 0%, giày thể thao, cặp, túi ngóng EVFTA
Thế Hải - 03/06/2020 11:02
Doanh nghiệp giày dép, túi xách đang ngóng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào hiệu lực để hưởng ưu đãi thuế 0% với nhóm hàng giày thể thao và vali, cặp, túi.
Thuế suất đối với sản phẩm túi, ví, cặp, va li, giày bảo hộ và giày thể thao sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Doanh nghiệp mong từng ngày

EVFTA sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu da giày, túi xách của Việt Nam sang các nước thành viên EU. Theo đó, thuế suất đối với sản phẩm túi, ví, cặp, va li, giày bảo hộ và giày thể thao sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Cụ thể, có các dòng sản phẩm chiếm 37% tổng sản phẩm giày dép xuất khẩu từ Việt Nam sẽ hưởng ngay mức thuế 0%, phần còn lại giảm dần từ mức bình quân 12,5% về 0% theo lộ trình từ 3 đến 7 năm.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đang mong mỏi từng ngày EVFTA có hiệu lực để có thể tận dụng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU.

Thuế với giày thể thao đang từ 17% sẽ xuống ngay 0%, túi xách, va li, dù cũng vậy; chỉ có giày mũ da có lộ trình giảm thuế trong thời hạn 7 năm.

“Trong bối cảnh xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành phải cho công nhân nghỉ việc, đơn hàng bị đối tác hủy, hoãn, sụt giảm doanh thu, khi có EVFTA, với mỗi đơn hàng xuất khẩu sang EU sẽ có thêm những đồng tiền thu về do được xóa thuế để bù đắp cho giai đoạn khó khăn”, bà Xuân phân tích.

Một số doanh nghiệp cũng xác nhận, hiện lượng hàng còn nằm trong kho do khách hàng tạm hủy, hoãn từ tháng 3/2020 vẫn còn, nên khi có EVFTA, cộng với Covid-19 đang giảm dần tại châu Âu, là cơ hội đẩy lượng hàng này xuất khẩu.

Mỗi năm xuất khẩu gần 19 tỷ USD giày dép, trong đó giày thể thao là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Số liệu của Lefaso cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép, túi xách Việt Nam trong năm 2019 sang thị trường EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2018 (chiếm tỷ trọng 27,7% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng da giày cả nước). Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 5 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018 (chiếm tỷ trọng 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước). Xuất khẩu mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù sang thị trường EU đạt 1,1 tỷ USD, tăng 15,9%. Đây là mức tăng khá tốt đối với mặt hàng này trong thời gian qua.

Theo một Báo cáo đánh giá tác động EVFTA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi EVFTA có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào năm 2025 và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.

Tận dụng C/O ưu đãi cao nhất

Những năm qua, giày dép là ngành xuất khẩu luôn nằm trong Top đầu của nhóm hàng công nghiệp có tỷ lệ sử dụng C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa) ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) cao nhất.

Theo Báo cáo xuất nhập khẩu, năm 2019, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi của ngành da giày chiếm gần 92% với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 4,76 tỷ USD, tăng 23,31% so với năm 2018.

Tăng trưởng xuất khẩu sang EU được dự báo ở mức 5-10% trong 5 năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cũng sẽ tăng thêm khoảng 3%/năm. Mặc dù vậy, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Lefaso, để tăng trưởng bền vững và mang về thặng dư thương mại cao, ngành da giày, túi xách Việt Nam vẫn phải đầu tư mạnh vào khâu thượng nguồn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng những tiêu chuẩn về xuất xứ mà các FTA như EVFTA và CPTPP quy định.

EVFTA có quy định khá “dễ thở” cho các doanh nghiệp Việt Nam là cho phép doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ những nước thành viên EU và những nước mà EU có ký kết FTA, cụ thể là Hàn Quốc, Nhật Bản và đưa ra quy định về xuất xứ gọi là hàm lượng giá trị khu vực (Regional Value content - RVC). Như vậy, ngành da giày Việt Nam sẽ có thêm thời gian cho lộ trình tự chủ nguyên liệu tại chỗ bằng việc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Giai đoạn hậu Covid-19, nếu EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào EU để khai thác thị trường 18.000 tỷ USD này.

EVFTA sẽ tạo cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang các nước EU. Tuy nhiên, nếu như các sản phẩm da thuộc và túi, ví, cặp, giày bảo hộ và giày thể thao sẽ về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, thì các sản phẩm giày dép da sẽ giảm từ mức cơ sở (12,5%) xuống 0% theo lộ trình từ 3-7 năm.

Nguồn: Bộ Công thương.
Tin liên quan
Tin khác