GDP Trung Quốc tăng 6% trong quý 3/2019, mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Ảnh: AFP |
Sức ép giảm tốc có thể tiếp diễn
GDP quý 3/2019 của Trung Quốc tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu cú hụt hơi của nền kinh tế so với mức tăng 6,2% trong quý trước.
Sức khỏe kinh tế Trung Quốc lúc này là mối quan tâm lớn của các đối tác thương mại và nhà đầu tư bởi thương chiến Mỹ - Trung vẫn diễn biến phức tạp và bóng ma suy thoái toàn cầu vẫn lơ lửng.
Chứng khoán châu Á ngày 18/10 không thoát khỏi phiên lao dốc sau công bố số liệu GDP Trung Quốc, bất chấp tin vui từ châu Âu khi Anh và EU đã đồng thuận về dự thảo thỏa thuận Anh rời EU (Brexit).
Các số liệu kinh tế Trung Quốc đi xuống những tháng qua khiến nhu cầu nội địa Trung Quốc và quốc tế chìm theo. Giới phân tích đánh giá, dư địa triển khai các gói kích thích mạnh tay là rất hạn chế bởi nền kinh tế đang phải “cõng” các đống nợ sau những lần nới lỏng chính sách (tiền tệ).
Nie Wen, chuyên gia phân tích của công ty tài chính Hwabao Trust (Thượng Hải, Trung Quốc) cho rằng cú hụt hơi của GDP Trung Quốc là do những yếu kém trong các ngành liên quan đến xuất khẩu, đặc biệt là ngành sản xuất chế tạo.
Do xuất khẩu khó có “cửa” phục hồi và sự suy giảm của ngành bất động sản, sức ép giảm tốc đối với kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục và GDP quý 4 của Trung Quốc có thể trượt còn 5,9%, Nie nhận định.
“Chính quyền (Trung Quốc) sẽ nới lỏng chính sách, nhưng ở mức thận trọng”, vị chuyên gia nói thêm.
Tại cuộc họp sau khi công bố số liệu GDP, người phát ngôn Cục Thống kê Trung Quốc Mao Shengyong cho biết Bắc Kinh đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu địa phương đặc biệt năm 2020 nhằm tăng cường đầu tư vào hạ tầng.
Những tín hiệu mới đây về thương chiến Mỹ - Trung có thể không mang lại thay đổi tức khắc đối với kinh tế Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cho biết hai bên đã đạt thỏa thuận giai đoạn 1 và hoãn tăng thuế, nhưng giới chức cảnh báo vẫn còn nhiều việc phải làm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo thương chiến sẽ “xén” tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống mức thấp nhật kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn có thể lấy lại đà tăng nếu Mỹ - Trung gỡ bỏ thuế quan.
Bắc Kinh đang trông chờ vào tác dụng của các gói kích thích tài khóa và chính sách nới lỏng tiền tệ để “hích” nền kinh tế vốn đang chững lại, trong đó phải kể đến biện pháp mạnh tay cắt giảm thuế trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ và phát hành trái phiếu địa phương để bơm tiền cho các dự án hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Những mảnh ghép hy vọng
Trái với con số GDP gây thất vọng, sản xuất công nghiệp tháng 9 của Trung Quốc lại vượt xa kỳ vọng khi tăng tới 8,5% nhờ lượng đơn hàng trong nước tăng cao.
Trước đó, các nhà phân tích dự báo sản xuất công nghiệp nước này chỉ tăng khoảng 5% trong tháng 9 do nhu cầu chung trong nước vẫn ở mức thấp.
Ngoài ra, đầu tư tài sản cố định trong 9 tháng đầu năm 2019 đã bám sát dự báo với mức tăng 5,4%, nhưng vẫn thấp hơn sức tăng 5,5% trong 8 tháng đầu năm. Trong đó, đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân tăng 4,7% trong 9 tháng đầu năm, chiếm 60% tổng số đầu tư tài sản cố định.
Doanh thu bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 9 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 7,5% trong tháng 8.
Tháng 9 cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực về đầu tư bất động sản ở Trung Quốc với số dự án mới tăng lên. Dù tháng 9 được xem là “tháng củ mật” để tăng doanh thu, nhưng giao dịch bất động sản vẫn chậm do Trung Quốc thực hiện chính sách ngăn chặn đầu cơ.