Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Đức Thanh |
Sách Trắng về rào cản hàng hóa
“Không thể để những thông tin về Việt Nam bị sai lệch, nhất là trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam hay được nhắm đến với hàm ý về đích đến tiếp theo của các biện pháp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Không thể để Việt Nam tới gần với nguy cơ này. Đây là lý do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cần xây dựng và công bố ngay Sách Trắng về các giải pháp gỡ bỏ rào cản với hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ của Việt Nam 2017 - 2019”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết.
Theo giải pháp mà VCCI đưa ra, đây sẽ là ấn phẩm xuất bản chung, là một kênh thông tin chính thức cho các đối tác của Việt Nam, nhất là phía Mỹ, về nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm bớt các rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ cũng như nỗ lực tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ - những vấn đề phía Mỹ quan tâm.
Trên thực tế, đó là những việc mà Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã triển khai thường xuyên, liên tục và đã có những kết quả tích cực ban đầu. Có thể nhắc đến các hành động cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại trong xuất nhập khẩu (đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu); các đợt rà soát cắt giảm và minh bạch hóa các điều kiện kinh doanh; chủ động mở cửa cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài rộng hơn so với cam kết (như phân phối bán lẻ, dịch vụ chuyên môn, vận tải biển ven bờ…). Đặc biệt, việc thông qua Luật Sở hữu trí tuệ vào tháng 4/2019 và các hoạt động nhằm tăng cường hiệu quả thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
“Chúng tôi đề nghị việc phòng chống gian lận xuất xứ cần được thực hiện một cách quyết liệt, với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan liên quan. Ở đây, cơ quan hải quan, cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài, cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ phải thực sự vào cuộc. Các thông tin này cũng cần phải được chia sẻ để có giải pháp ứng phó kịp thời”. Ông Lộc khuyến nghị.
- Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
Tuy nhiên, những hành động này lại chưa được tổng hợp đầy đủ, chưa được chuyển tải ra bên ngoài.
Cùng với đó, VCCI cũng đề xuất công bố Báo cáo về Hiện trạng phân bổ lợi ích trong xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ, để làm rõ các thông tin liên quan đến hoạt động thương mại với Mỹ trong một số mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu cao sang Mỹ, như dệt may, giày dép, đồ da...
“Các doanh nghiệp đều thấy rõ, doanh nghiệp Mỹ là bên được hưởng lợi nhất từ thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ. Lý do là, tỷ lệ doanh nghiệp Việt làm gia công cho các thương hiệu Mỹ, các nhà nhập khẩu Mỹ… rất lớn. Trong bối cảnh hiện tại, các thông tin này phải đến được Chính phủ Mỹ, các nghị sỹ Mỹ… ”, ông Lộc giải thích.
Đối thoại cởi mở
Cho đến thời điểm này, có thể thấy, tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam là chưa rõ ràng, vì còn phụ thuộc nhiều vào các diễn biến phức tạp có thể xảy ra cũng như phản ứng của các nước. Việt Nam khó có thể phán đoán về kết quả cuộc chiến thương mại và đề ra chính sách ứng phó một cách cứng nhắc.
Đây là lý do, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đưa ra đề xuất giải pháp liên quan đến chia sẻ thông tin để hạn chế tối đa những hệ lụy do thông tin không đầy đủ đem lại.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô (thuộc CIEM) lưu ý các giải pháp kiểm soát, xóa bỏ tình trạng hàng nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
“Đây là cũng có thể đóng góp vào định hướng cân bằng hơn thương mại song phương. Bên cạnh đó, việc đối thoại cởi mở với Mỹ về xuất xứ hàng hóa, từ đó định hướng cho doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có ý nghĩa hơn việc nghi ngờ, thanh kiểm tra một cách hành chính đối với phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”, ông Dương nói.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nguy cơ lớn nhất là hàng hóa Trung Quốc gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt mà Mỹ đang áp dụng với nước này. Thực tế, ngay từ năm 2018, Mỹ đã lưu tâm, điều tra hàng hóa Trung Quốc lẩn tránh thuế qua Việt Nam. Nếu thiếu động thái hữu hiệu từ phía Việt Nam đối với xuất xứ hàng hóa, hành động như vậy của Mỹ có thể gia tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc tập trung vào các nhóm nguy cơ cao gian lận xuất xứ trong trường hợp này, như các doanh nghiệp FDI Trung Quốc hoặc có liên quan tới Trung Quốc (Đài Loan, Hồng Kông), đặc biệt là các trường hợp mới đầu tư vào Việt Nam từ 6/2018 trở lại đây, thì cũng cần chú ý đến các doanh nghiệp Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với nhà đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông (như liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh...), các doanh nghiệp giao nhận, logistics có các hợp đồng dịch vụ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu đi Mỹ.