Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 3 được tổ chức tháng 11/2019 tại Thái Lan. Ảnh: AFP |
Sau cú đốc thúc của Trung Quốc, RCEP cuối cùng đã được thống nhất vào tháng 11/2019 sau 6 năm đàm phán. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, RCEP sẽ được ký vào tháng 11 tới, hứa hẹn tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Hiệp định có sự tham gia của 10 quốc gia ASEAN và các đối tác lớn khác, gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Theo ông Xu Sitao - chuyên gia kinh tế trưởng của Deloitte Trung Quốc, thương chiến Mỹ - Trung đã mang lại tác động tích cực cho RCEP - một hiệp định được cho là sẽ mất rất nhiều năm để đàm phán. Khá bất ngờ khi các bên tham gia đã sớm thống nhất được hiệp định, nhưng nhìn chung, mọi người vẫn lo ngại về tăng trưởng kinh tế, ông Xu nói sau khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hôm 15/1.
Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng thuế trả đũa lên hàng Trung Quốc hồi giữa năm 2018, các nền kinh tế như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp đã “hồi hương” để đầu tư sản xuất và né thuế quan của Mỹ lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong số đó, Việt Nam và Indonesia đã hưởng lợi khi được xem là những điểm đến đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư khi dịch chuyển sản xuất khỏi thị trường Trung Quốc.
Theo InvesTaiwan - một tổ chức xúc tiến đầu tư của Đài Loan, đã có 164 doanh nghiệp Đài Loan cam kết đầu tư 711,6 tỷ Tân Đài tệ (23,8 tỷ USD) vào hòn đảo này trong năm 2019. Xu hướng này khiến giới chức Đài Loan nâng dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 từ 2,19% lên 2,4%. Theo dự báo của Deloitte, tăng trưởng kinh tế Đài Loan năm 2020 sẽ tăng 2,1%.
Theo công bố của Bộ Tài chính Trung Quốc, nội dung cam kết chi tiết của Trung Quốc trong thỏa thuận thương mại với Mỹ đề cập đến các vấn đề như sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường, tiền tệ và nhập khẩu.
Theo ông Xu, việc Trung Quốc cam kết mở cửa thị trường là cách hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề cấu trúc kinh tế còn tồn đọng hiện nay.
“Trung Quốc có nhiều lĩnh vực cần cải cách, nhưng làm cùng 1 lúc là rất khó. Tốt hơn hết là cải thiện việc mở cửa thị trường trước, bởi mở cửa thị trường sẽ dẫn tới những thay đổi và giúp giải quyết các vấn đề hiện nay. Chưa tính đến các vấn đề sẽ được xử lý triệt hay không, nhưng ít ra cũng giúp ‘hạ nhiệt’ phần nào”, ông Xu nói.
Mỹ lâu nay chỉ trích Trung Quốc o bế thị trường trong nước và bất bình đẳng khi hạn chế sự hiện diện của các doanh nghiệp Mỹ tại thị trường này, ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn gia nhập thị trường, trợ cấp doanh nghiệp nhà nước để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài ở những ngành công nghiệp béo bở.
Theo thỏa thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã cam kết mở cửa thị trường, nhất là thị trường dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, các vấn đề gai góc khác như việc Trung Quốc trợ cấp doanh nghiệp nhà nước lại không được đưa vào thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 mà dự kiến sẽ được bàn thảo ở giai đoạn 2.
“Những gì (Trung Quốc) cần làm hiện nay là thực hiện theo thỏa thuận với Mỹ”, ông Xu nhận định.
Gặp gỡ báo chí sau khi ký thỏa thuận thương mại với Mỹ, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho rằng sự nhượng bộ với Washington có thể được áp dụng cho các đối tác thương mại khác của Trung Quốc.