Quốc tế
Thương chiến Mỹ - Trung: Thương mại toàn cầu có chuyển hướng sau đòn thuế mới?
Đông Phong - 23/05/2024 08:33
Ngón đòn thuế quan mới mà Tổng thống Mỹ Joe Biden áp lên hàng hóa Trung Quốc ở thời điểm này bị hoài nghi về hiệu quả tác động kinh tế, bởi được cho là có hơi hướng chính trị.
Đòn thuế quan mới của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ không có nhiều tác động kinh tế

Hàm ý ghi điểm ở các bang chiến địa

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố các sắc thuế bổ sung mới nhất đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đánh dấu một làn sóng thuế quan mới và tăng cao đối với một loạt mặt hàng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới phân tích không đặt nhiều kỳ vọng về tác động kinh tế của ngón đòn thuế trên vì cho rằng, nó có ích về mặt chính trị nhiều hơn cho Tổng thống đương nhiệm.

Đòn thuế quan mới được Tổng thống Biden (thành viên đảng Dân chủ) đưa ra vào cuối nhiệm kỳ và trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đang sôi động, khi chỉ hơn 1 tháng nữa, hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ (Biden - Trump) sẽ hội ngộ trực tiếp trong cuộc “khẩu chiến” trên đài CNN vào ngày 27/6. Đây là lần đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên và nó được CNN xác định là một cuộc đối đầu sớm mang tính lịch sử, sẽ định hình sức nóng cho những tháng còn lại của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024.

Các mức thuế quan mới mà chính quyền Biden áp lên 18 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được cho rằng, sẽ chỉ tác động tối thiểu trong ngắn hạn đến GDP, lạm phát và chính sách tiền tệ của Mỹ, trong khi một số quan điểm khác coi nó là một kiểu “làm tròn sai số”.

Thực chất, các thuế quan mới mà Tổng thống Biden vừa công bố được xây dựng dựa trên chương trình đánh thuế mạnh tay 300 tỷ USD của cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2018 và 2019 nhằm vào Trung Quốc và một số đối tác thương mại khác. Hiện, chương trình áp thuế này vẫn đang có hiệu lực.

“Các mức thuế mà chính quyền Biden vừa công bố báo hiệu một mùa đông dài và lạnh lẽo của xung đột kinh tế Mỹ - Trung”, nhà kinh tế Joe Brusuelas tại Công ty kiểm toán RSM US (Mỹ) nhận định với đài CNN.

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc là vấn đề kéo dài nhiều thập kỷ và trở thành chủ đề nhạy cảm, đặc biệt khi Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Còn ông Ryan Sweet, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ tại Oxford Economics cho rằng, biện pháp thuế quan mới của Tổng thống Biden sẽ không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Washington. “Các mức thuế bổ sung về cơ bản là một biện pháp làm tròn sai số đối với lạm phát và GDP, không tác động gì đến chính sách tiền tệ”, ông Sweet nhận xét.

“Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không ‘việc bé xé ra to’, vì vậy, các biện pháp thuế quan mới sẽ không cung cấp thêm lý do để họ biện minh cho việc giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn”, ông Sweet nói thêm.

Nhà Trắng cho biết, các biện pháp thuế quan mới này tác động đến 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm thép và nhôm, chất bán dẫn, xe điện, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời và cần cẩu... Thuế quan mới đối với các sản phẩm này có thể sẽ gây ra tác động hạn chế đến giá hàng tiêu dùng, bởi Mỹ nhập khẩu rất ít xe điện từ Trung Quốc. Trong số 18 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế, thì pin lithium-ion chiếm 13 tỷ USD, còn một số sản phẩm thép, nhôm và các mặt hàng y tế như găng tay và ống tiêm, chiếm 5 tỷ USD.

Cả ông Biden và ông Trump đang trong cuộc đua ngang ngửa khi một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy, ông Trump - ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa - đang vượt xa tổng thống đương nhiệm ở các bang chiến địa quan trọng. Đơn cử, cuộc thăm dò tuần trước của New York Times, Siena College và Philadelphia Inquirer cho thấy, ông Trump đang có lợi thế ở các bang Arizona, Nevada và Georgia.

Trong khi đó, ông Biden đã xuất hiện tại một trong những bang chiến địa là Pennsylvania vào tháng trước để công bố ý định tăng gấp ba mức thuế đối với thép Trung Quốc. Pennsylvania nằm trong “Vành đai rỉ sét”, một khu vực lịch sử lâu đời về ngành sản xuất chế tạo và bản thân bang Pennsylvania cũng có tiếng về sản xuất thép.

Ông Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại - một tổ chức think tank (nghiên cứu, tư vấn, phản biện) độc lập - cho rằng, Tổng thống Biden đã tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp khác của Mỹ, chẳng hạn ngành công nghiệp xe điện.

Theo ông Setser, biện pháp thuế quan mới của Tổng thống Biden sẽ đảm bảo rằng Mỹ không thể nhập khẩu trực tiếp xe điện được sản xuất tại Trung Quốc. Nhà phân tích này cho biết, Trung Quốc đã phát triển được ngành công nghiệp xe điện có lợi thế cạnh tranh nhờ vào các khoản trợ cấp sâu rộng của chính phủ. Họ có thể khiến ô tô giá rẻ tràn ngập thị trường Mỹ, nếu không có các biện pháp thuế quan như chính quyền Biden vừa công bố.

Dòng chảy thương mại chuyển hướng

Mỹ đã nhập khẩu 427 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc vào năm 2023, nhưng họ chỉ xuất khẩu 148 tỷ USD hàng hóa sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã trở thành vấn đề kéo dài nhiều thập kỷ và trở thành chủ đề nhạy cảm hơn bao giờ hết ở Washington, đặc biệt khi Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mặc dù giao dịch thương mại xuyên Thái Bình Dương có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc, bởi khu vực này cung cấp hàng hóa giá rẻ cho người tiêu dùng Mỹ và đem lại thị trường rộng lớn cho các nhà sản xuất Trung Quốc, nhưng đây là một vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là vào thời điểm bầu cử tổng thống đang đến gần.

Mặc dù Trung Quốc đã khẳng định sẽ trả đũa đợt thuế quan mới nhất của chính quyền Biden, nhưng các chuyên gia cho rằng, điều này có thể chỉ mang tính biểu tượng vì bản thân các mức thuế của Mỹ đã nhắm vào các mục tiêu cụ thể.

“Chúng tôi không cho rằng hành động trả đũa sẽ gây ra bất cứ rối loạn nào”, ông Bernard Yaros, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Oxford Economics, nhận định.

Trên thực tế, bức tranh tổng thể về tác động thuế quan 2018-2019 đến hoạt động sản xuất và thương mại của Mỹ những năm sau đó đã bị xô lệch vì các tác động của đại dịch Covid-19 đến chuỗi cung ứng.

Khi hàng rào thuế quan dựng lên, các nhà nhập khẩu Mỹ đã bắt đầu tìm nguồn thay thế hàng hóa Trung Quốc. Thế nhưng, khi đại dịch Covid-19 xảy ra và nhu cầu tiêu dùng của Mỹ tăng lên, mức tồn kho trong nước giảm nhanh chóng, thì nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng trở lại, theo các nhà kinh tế của Wells Fargo.

Đến cuối năm 2023, nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 3% so với năm 2019, trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Việt Nam tăng 50%, bà Nicole Cervi, nhà phân tích tại Wells Fargo, bình luận trên đài CNN.

“Có một số dữ liệu cho thấy rằng, lượng nhập khẩu tăng mạnh từ các quốc gia bên ngoài Trung Quốc và một số trong đó có thể là các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển một số hoạt động của họ sang các quốc gia khác không bị ảnh hưởng bởi thuế quan áp dụng theo Mục 301 (Đạo luật thương mại)”, bà Cervi nhận định.

Trong khi đó, ông Peter Sand, nhà phân tích trưởng tại Công ty phân tích vận tải hàng hóa Xeneta cho biết, dữ liệu vận chuyển hàng hóa đường biển và đường hàng không gần đây làm tăng thêm nghi ngờ rằng, Trung Quốc có thể đang cố gắng lách thuế quan của Mỹ thông qua Mexico. Dữ liệu của Xeneta chỉ ra, nhập khẩu hàng hóa bằng container từ Trung Quốc đến Mexico đã tăng vọt 60% trong tháng 1 và tăng 34% trong quý I/2024.

“Con số đó là rất nhiều. Rõ ràng là việc nhập khẩu ở mức độ này không chỉ dành cho mục đích nội địa ở Mexico”, ông Sand nói.

Thật vậy, cánh cửa cho xe điện Trung Quốc lách qua thị trường Mexico để đến Mỹ là không dễ, bởi chính quyền Biden sẵn sàng đưa ra các trừng phạt bổ sung. Tổng thống Biden đã chỉ đạo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ áp đặt tổng mức thuế vượt 102% đối với xe điện của Trung Quốc, cũng như chỉ đạo áp các mức thuế mới đối với các sản phẩm khác, bao gồm thép, nhôm, chip máy tính và pin mặt trời.

Trước đó, BYD - “ông lớn” của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc từng tiết lộ, họ đang xem xét các địa điểm nhà máy ở Mexico cho thị trường Mexico. Điều này làm càng tăng khả năng các công ty Trung Quốc có thể sử dụng Mexico làm cửa sau để thâm nhập thị trường Mỹ.

Theo Đại diện thương mại Mỹ, bà Katherine Tai, việc áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nếu Trung Quốc theo đuổi xây dựng các nhà máy tại Mexico, sẽ đi theo một “con đường riêng”, khác với Mục 301 trong Đạo luật Thương mại của Mỹ. Ngay sau tuyên bố của bà Tai, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết, họ có thể thực hiện một số biện pháp khác ngoài thuế quan, đồng thời nhấn mạnh rằng, Thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada có các điều khoản để giải quyết các khoản trợ cấp không công bằng và nỗ lực tránh thuế nhập khẩu.

Tin liên quan
Tin khác