Chứng khoán châu Á tăng điểm phiên cuối tuần 13/9. Ảnh: AFP |
Chứng khoán Hong Kong tăng 1% trong khi chứng khoán Nhật Bản chốt phiên tăng hơn 1%. Thị trường chứng khoán Australia và Singapore tăng lần lượt 0,2% và 0,5%. Các sàn chứng khoán Seoul, Thượng Hải và Đài Loan (Trung Quốc) hôm nay đóng cửa nghỉ lễ.
Chứng khoán London trượt nhẹ 0,2% đầu phiên giao dịch, trong khi hai thị trường chứng khoán Paris và Frankfurt giao dịch đi ngang.
Thị trường chứng khoán toàn cầu tuần này đồng loạt tăng điểm bởi giới đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã không gây thất vọng với quyết định bơm tín dụng và hạ lãi suất xuống mức kỷ lục.
ECB quyết định hạ lãi suất tiền gửi từ -0,4% xuống -0,5%, mức thấp nhất trong đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên từ năm 2016. Ngoài cam kết hỗ trợ các ngân hàng đang gặp khó khăn, ECB cũng sẽ tái khởi động chương trình khuyến khích mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ euro/tháng và vay vốn ngân hàng ưu đãi.
Ngân hàng này khẳng định sẽ không tăng lãi suất cho đến khi tỷ lệ lạm phát cao hơn chỉ tiêu 2,0% trong trung hạn.
Tuyên bố này khiến giới đầu tư thở phào, đẩy chứng khoán châu Âu và New York lên điểm.
"Đây không phải biện pháp cân bằng lớn, nhưng Chủ tịch ECB Mario Draghi đã cố hết sức để thuyết phục các nhà đầu tư rằng chính sách tiền tệ sẽ vẫn được duy trì hợp lý trong thời gian tới", ông Gavin Friend, chuyên gia cao cấp tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) cho biết.
Sau tuyên bố của ECB, đồng Euro trượt giá ngay đầu phiên về mức 1 EUR “ăn” 1,10 USD, nhưng nhanh chóng hồi phục trở lại. Trên thị trường châu Á, đồng Euro gần như đi ngang.
Giới đầu tư đang kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tuần tới sau số liệu lạm phát của Mỹ sụt giảm trong tháng 8.
Theo thông tin từ Bloomberg News, các quan chức Mỹ đang xem xét một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc nhằm “đóng băng” hoặc hủy bỏ một số thuế quan lên hàng Trung Quốc nếu Bắc Kinh nhất trí các cam kết về sở hữu trí tuệ và nhập khẩu nông sản.
Nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung có dấu hiệu “hạ nhiệt” trước thềm đàm phán cấp cao giữa hai bên vào tháng tới. Trung Quốc tuyên bố sẽ loại một số mặt hàng Mỹ ra khỏi danh sách bị đánh thuế bổ sung, trong đó xét đến cả mặt hàng có kim ngạch lớn như thịt lợn và đậu nành. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cũng sẽ hoãn đánh thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Tôi thấy nhiều nhà phân tích đang bàn tán (về thỏa thuận tạm thời), với ý là chúng tôi sẽ thực hiện một phần nào đó của thỏa thuận, theo cách cái gì dễ thì làm trước,” Bloomberg dẫn lời ông Trump ngày 12/9.
"Nhưng chẳng có gì là khó hay dễ hẳn. Chúng tôi sẽ xem xét việc nên có thỏa thuận hay không," ông Trump nói.
Trả lời Đài CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông rất "lạc quan" việc đạt được thỏa thuận. "Chúng tôi muốn đạt được tiến triển thỏa thuận có ý nghĩa".
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay sụt giảm, với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 0,3% xuống còn 60,20 USD/thùng còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt giá 0,24% xuống còn 54,96 USD/thùng.