Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều |
Việc đăng cai tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội ngày 27 - 28/2 đã khẳng định, Việt Nam là một thành viên đáng tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hòa bình với các cựu thù và nay có thể giúp các nước khác làm điều tương tự.
Thực tế, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau hàng chục năm bị cô lập, Việt Nam đã tăng cường cải thiện quan hệ với các nước lớn, các khu vực lớn để cân bằng những mối quan hệ gai góc trong khu vực.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn tổ chức tại Hà Nội sẽ làm tăng vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, cả Mỹ và Triều Tiên đều rất muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh này tại Việt Nam.
“Điều đó cho thấy, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm và tích cực của cộng đồng quốc tế, muốn đóng góp vào quá trình kiến tạo hòa bình và rằng, chính sách của Việt Nam là nâng tầm ngoại giao đa phương”, ông Trung nói với báo giới.
Cũng theo ông Trung, Việt Nam là một dân tộc thật sự yêu chuộng hòa bình. “Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, song các cuộc chiến này thường kết thúc bằng đàm phán hòa bình”, ông Trung cho biết.
Với việc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam đang đóng vai trò trung gian thúc đẩy cải thiện quan hệ giữa hai nước này.
Theo Reuters, một quan chức cho biết, Chính phủ Việt Nam đã hối thúc các cơ quan an ninh của Mỹ và Triều Tiên phối hợp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần này.
Một quan chức khác cho biết, Việt Nam cũng mong muốn chứng kiến Mỹ và Triều Tiên ký kết một tuyên bố hòa bình để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.
Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt bằng một thỏa thuận đình chiến, chứ không phải là hiệp ước. Triều Tiên muốn ký một hiệp ước về vấn đề này, song Mỹ muốn thực hiện việc phi hạt nhân hóa trước.
Quan chức trên cho biết thêm, Việt Nam muốn đăng cai hội nghị thượng đỉnh tiếp theo giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
“Hội nghị thượng đỉnh thành công sẽ tăng cường vị thế của Việt Nam”, ông Nguyễn Quý Bình, cựu Đại sứ và đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc nói.
“Tiếng nói của Việt Nam sẽ có sức nặng hơn. Một nước hành động có trách nhiệm và uy tín, một nước đáng tin cậy sẽ có tiếng nói khác”, ông Bình nói với phóng viên của Reurers.
Các nhà ngoại giao phương Tây và châu Á cho biết, họ kỳ vọng Việt Nam sẽ hỗ trợ mọi cải cách của Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh này.
Được biết, năm tới, Việt Nam sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN và có thể trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm 2021.