Ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này.
Trong chiến lược phát triển thương hiệu du lịch thời gian tới, logo của doanh nghiệp sẽ gắn với logo quốc gia về du lịch. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Hiện những nội dung của chiến lược chưa được hoàn chỉnh, nhưng về cơ bản, Tổng cục Du lịch sẽ trực tiếp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, có bộ hướng dẫn sau đó sẽ tư vấn sản phẩm nào quốc gia muốn phát triển.
. |
Cùng với đó, logo quốc gia sẽ được kết hợp với logo của doanh nghiệp để cách quảng bá giữa Tổng cục và doanh nghiệp được song hành với nhau và thương hiệu doanh nghiệp sẽ không tách rời thương hiệu quốc gia trong phát triển du lịch. Tổng cục Du lịch cũng sẽ sẵn sàng tư vấn với từng doanh nghiệp cụ thể.
Vậy doanh nghiệp đóng vai trò gì trong chiến lược?
Tổng cục Du lịch luôn xác định doanh nghiệp có vai trò trọng tâm trong chiến lược này vì đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp có nghĩa là sẽ nâng tầm được vị thế du lịch Việt Nam.
Năm 2015, ngay sau khi đưa ra slogan “Vietnam –Timeless Charm”, Tổng cục Du lịch đã đưa ra bộ hướng dẫn sử dụng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam. Trong quá trình triển khai tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ nhận diện thương hiệu, Tổng cục Du lịch đã triển khai rộng khắp tới các địa phương, doanh nghiệp.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy, nguyện vọng phổ biến của doanh nghiệp là muốn được hỗ trợ những phương pháp cụ thể hiệu quả nhất, trong đó có việc xác định định hướng phát triển thương hiệu quốc gia như thế nào, doanh nghiệp làm thế nào để truyền tải nó. Do đó, định hướng chung và định hướng của doanh nghiệp phải xuyên suốt, đồng nhất với nhau mới tạo sự cộng hưởng.
Tại sao hiện là thời điểm cần thiết đưa ra chiến lược trên, thưa ông?
Thực ra, nhu cầu có từ nhiều năm, song đây là thời điểm phải xác định rõ ràng, đưa ra để nâng cao chất lượng công tác quảng bá xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch và các hoạt động liên quan trong thời gian tới.
Về nhu cầu phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, nói thời điểm này là quan trọng, bởi khi tổ chức quảng bá xúc tiến thì phải xác định quảng bá cái gì, giá trị nào cần quảng bá, xúc tiến. Phát triển sản phẩm cũng phải phù hợp với định hướng thương hiệu, giá trị du lịch, thị trường du lịch Việt Nam hướng tới. Đây là nhu cầu rất lớn khi các doanh nghiệp, địa phương cần có định hướng.
Theo đó, chiến lược sẽ đưa ra những định hướng cơ bản về phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến các thị trường du lịch. Chiến lược Phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định nội dung là phát triển thương hiệu du lịch để nâng cao sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, thương hiệu là vấn đề rất rộng. Muốn phát triển thì không một cơ quan, bộ ,ngành nào làm được. Do đó, công việc trước mắt là phải thống nhất về nhận thức, định hướng phát triển, từ đó có hoạt động cụ thể.
Mọi chiến lược, kế hoạch đều phải xác định mục tiêu cụ thể. Riêng với phát triển thương hiệu, Tổng cục Du lịch xác định đây là quá trình liên tục. Phát triển hình ảnh quốc gia theo cách chúng ta mong muốn, thể hiện bản sắc, giá trị của Việt Nam. Trong các hoạt động đều có sự đánh giá thường xuyên ở các thị trường trọng điểm.
Liệu có kỳ vọng chiến lược này sẽ nâng chất công tác xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch không, khi nhiều doanh nghiệp kêu công tác này là quá kém từ nhiều năm nay và đâu là thị trường chính cần hướng tới?
Năm 2016, khi chiến lược đi vào thực tế, chúng tôi sẽ xác định công tác xúc tiến cần sự hợp tác công - tư. Theo đó, quảng bá thương hiệu sẽ do Tổng cục chỉ đạo và đảm nhiệm, quảng bá điểm đến Tổng cục sẽ kết hợp với địa phương và quảng bá thương hiệu, sản phẩm và điểm đến của doanh từng doanh nghiệp do chính doanh nghiệp phối hợp với Tổng cục.
Với cách thức này, cùng với Quỹ Phát triển du lịch năm 2016 được hình thành, nguồn lực cho quảng bá xúc tiến sẽ không bị eo hẹp như những năm trước.
Việc xác định thị trường trọng điểm trong chiến lược quảng bá của quốc gia sẽ được tham khảo ý kiến của doanh nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, trước mắt, một số thị trường được xem là trọng điểm gồm các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản... hiện chiếm 50% lượng khách quốc tế. Thị trường hướng tới của ngành du lịch trước mắt vẫn là 5 nước Tây Âu vừa được miễn thị thực và những nước Bắc Âu đã được miễn thị thực. Các nước ASEAN cũng là mục tiêu hướng tới. Một số thị trường mới sẽ được xúc tiến thêm gồm Ấn Độ, Nga và những nước nói tiếng Nga.