FPT vừa được đánh giá là thương hiệu có giá trị lớn thứ 6 Việt Nam với 239 triệu USD, theo danh sách 50 Thương hiệu Việt Nam có giá trị lớn nhất năm 2015 (Vietnam Top 50 brands 2015), do Brand Finance - hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - công bố.
Trong danh sách này, FPT đứng sau các tên tuổi hàng đầu Việt Nam, như Vinamilk, Viettel Telecom, Vinhomes, PetroVietnam Gas..
Với tổng tài sản hợp nhất năm 2014 khoảng 1,027 tỷ USD, giá trị thương hiệu FPT hiện chiếm khoảng 23% tổng tài sản công ty và được xếp hạng AA+ của Brand Finance (A là mạnh, AA là rất mạnh, AAA là cực mạnh).
Đây là lần đầu tiên, các thương hiệu Việt Nam được hãng định giá thương hiệu có trụ sở tại UK Brand Finance đưa vào danh sách các thương hiệu được định giá hàng năm. Kết quả định giá thương hiệu của Brand Finance được sử dụng và công bố chính thức trên các kênh truyền thông hàng đầu như BBC, CNN, CNBC, Bloomberg, The Economist, The Wallstreet Journal….
Danh sách 50 thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam được Brand Finance áp dụng các phương pháp định giá dựa trên các tiêu chí về khả năng làm tăng thêm giá trị sản phẩm của một thương hiệu; mức độ ảnh hưởng của thương hiệu đối với quyết định mua của khách hàng; chi phí để xây dựng thương hiệu thành công; giá trị mua bán trên thị trường chứng khoán; và khả năng tạo ra lợi nhuận của thương hiệu.
Liên quan đến vấn đề này, ngay sau khi Brand Finance công bố kết quả định giá, ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Điều hành (COO) của FPT cũng đã những bình luận về việc “Thương hiệu FPT trị giá bao nhiêu?”.
Theo đó, có 5 câu hỏi được ông Hà đặt ra, liên quan không chỉ hiện tại, mà còn là tương lai của FPT ra sao.
Thứ nhất, giá trị doanh nghiệp của FPT không phải chỉ bao gồm 1,027 tỷ USD trên bảng tổng kết tài sản 2014 mà còn bao gồm 239 triệu USD giá trị thương hiệu. Đây là một tài sản vô hình tạo nên thành công và lợi thế cạnh tranh của FPT.
Đây cũng là con số thực sự lớn cần sự quan tâm để có thể quản lý và gia tăng giá trị thương hiệu. Nhưng lãnh đạo các cấp, các công ty của FPT đã quan tâm quản lý phát triển tài sản vô hình này chưa?
Thứ hai, tỷ lệ giá trị thương hiệu của FPT là 23% tổng giá trị tài sản, so với phần lớn các doanh nghiệp trong Top 50 khác là khá cao.
Chẳng hạn, Vinamilk (23%), Vinhomes (14%), Mobifone (9%),Vietinbank (6%), BIDV (5%), VietcomBank (3%), Massan Comsumer (7%), BaoViet (5%)… Bởi vậy, có thể nói, ở FPT, thương hiệu đã và đang có vai trò đặc biệt quan trọng.
“Đây là giá trị FPT tích lũy gần 30 năm nhưng không có gì bảo đảm là không thể mất đi do thay đổi nhanh chóng của cạnh tranh và sự thay thế của các mô hình kinh doanh mới. FPT đã có những chiến lược gì về thương hiệu và giá trị thương hiệu?”, ông Hà đặt câu hỏi, đồng thời thừa nhận xét trên bình diện so sánh quốc tế, tỷ trọng giá trị thương hiệu của FPT còn thấp xa so với các thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ví dụ, Apple hiện có giá trị thương hiệu 145 tỷ USD (chiếm 53% tổng giá trị tài sản). Con số này của Microsoft là 69 tỷ USD (39%); Google là 65 tỷ USD (44%) và IBM là 49 tỷ USD (44%).
“Không chỉ trong lĩnh vực CNTT mà trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, hàng tiêu dùng của Việt Nam cũng có tính trạng tương tự, tức là chưa được khai mở (undisclosed value). Như vậy, có một room khá lớn để tăng trưởng và FPT sẽ làm gì để có thể nâng cao tỷ trọng giá trị thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh toàn cầu bằng giá trị thương hiệu trong tương lai”, câu hỏi thứ ba được đặt ra như vậy.
Còn câu hỏi thứ 4, lại liên quan đến thương hiệu quốc gia, bởi đây chính là nền tảng cho thương hiệu của các công ty trong cạnh tranh toàn cầu.
Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2015 là 139 tỷ USD đã giảm 18% so với năm 2014 là 172 tỷ USD. Sự suy giảm này rõ ràng không hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Một cách thẳng thắn, ông Hà cho rằng, Chính phủ xem ra khá tích cực trong phát triển thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp nhưng ít thấy các hoạt động trong lĩnh vực CNTT.
“Vậy vai trò của chính phủ, của các hiệp hội nghề nghiệp về CNTT sẽ làm gì để nâng cao thương hiệu quốc gia? FPT với vai trò dẫn đầu và kiến tạo trên thị trường CNTT sẽ làm gì để nâng cao thương hiệu quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT trong quá trình toàn cầu hóa? Liệu FPT có thể tham gia thành công vào sân chơi toàn cầu với một thương hiệu quốc gia yếu về CNTT?”, tiếp tục một câu hỏi nữa được đặt ra.
Và thứ năm, đó là dù giá trị thương hiệu của FPT hiện nay là 239 triệu USD, nhưng đây là con số không phải được tính toán từ các giá trị quá khứ, mà còn được tính toán từ các cơ hội và tiềm năng phát triển, sự gia tăng ảnh hưởng, độ phủ vào nhận thức của khách hàng, xã hội tại Việt Nam và quốc tế.
Và vì nó bao hàm cả giá trị tương lai, nên việc tối ưu hóa khi phát triển thương hiệu mẹ, thương hiệu con và các tương tác đang và sẽ là một thách thức để gia tăng giá trị thương hiệu của FPT.
Rõ ràng, dù được định giá cao, nhưng thách thức với FPT ở phía trước là không hề nhỏ!