Doanh nghiệp
FPT có liều lĩnh khi tấn công thị trường Nam Á lắm cường quốc công nghệ thông tin
Nhã Nam - 29/09/2015 09:05
Chọn Nam Á là một trong các thị trường trọng điểm để phát triển chiến lược toàn cầu hóa, FPT có quá mạo hiểm khi đây vốn là “sân nhà” của các cường quốc công nghệ thông tin như Ấn Độ?

Tuần qua, một trong những sự kiện công nghệ thông tin (CNTT) được nhắc đến nhiều nhất là việc FPT tuyên bố thắng thầu dự án CNTT theo dạng “chìa khóa trao tay” lớn nhất Bangladesh từ trước đến nay, với tổng giá trị 33,6 triệu USD.

Đây tiếp tục là một dấu mốc lớn của FPT trên con đường toàn cầu hóa, với một trong hai định hướng chính là mang các giải pháp mà FPT đã có nhiều kinh nghiệm triển khai thành công tại Việt Nam ra các thị trường các nước đang phát triển, trong đó Nam Á đang là một mũi khoan mới.

FPT vừa thắng thầu dự án 33,6 triệu USD ở Bangladesh.

Chỉ sau 2 năm có mặt tại thị trường này, FPT đã giành được 2 hợp đồng với tổng trị giá lên tới 40 triệu USD, xấp xỉ bằng 1/3 doanh thu toàn cầu hóa của FPT 8 tháng đầu năm 2015 (135 triệu USD).

Ngoài Bangladesh, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) hé lộ, trong năm 2015 - 2016, đơn vị này cũng đang xúc tiến các dự án/thầu tại các nước Nam Á khác như Pakistan, Nepal, Siri Lanka và cả thị trường vốn là cường quốc CNTT châu Á - Ấn Độ.

Đây được coi là một sự lựa chọn khá táo bạo của FPT bởi lẽ Nam Á là một thị trường có điều kiện sống khá khắc nghiệt, lại có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thói quen làm việc (nghỉ thứ 7, chủ nhật, thường xuyên nghỉ lễ Ramadan), đặc biệt là có sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các công ty Ấn Độ (gần về địa lý) và các công ty Trung Quốc (giá rẻ).

“Vậy điều gì khiến FPT tự tin khi tiến vào thị trường mới mẻ và đầy thách thức như Nam Á?”. Đặt câu hỏi như vậy thì ông Bảo khẳng định, có 2 lý do quan trọng nhất đã và sẽ tạo nên thành công của FPT tại thị trường Nam Á. Đó là nhu cầu thị trường và năng lực, kinh nghiệm của FPT trong việc giải các bài toán tương tự ở Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được tại khu vực này.

Theo ông Bảo, hiện nhu cầu ứng dụng CNTT để tăng cường quản lý nhà nước, quản lý tài chính, thu, chi của chính phủ, của các doanh nghiệp cũng như các công tác an sinh xã hội - người nghèo, công tác thống kê, lập kế hoạch, quản lý và tiết kiệm điện năng, năng lượng (gas), nước sạch, quản lý giao thông ở các nước khu vực Nam Á là rất lớn.

Bên cạnh đó, hiện Chính phủ các nước này đang đẩy mạnh đầu tư cho CNTT. Tại Bangladesh đang có chiến lược Digital Bangladesh, trong đó Chính phủ đầu tư trên 2 tỷ USD, ngoài ra còn có nguồn vốn ưu đãi của WB, ADB, Jica…

Hay như tại Pakistan, ngân sách dành cho phát triển CNTT cũng rất lớn, khoảng 3 tỷ USD (bao gồm nguồn vốn đầu tư của Chính phủ và nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB...). Điều này cũng diễn ra tương tự tại một số nước như Nepal, SriLanca…

Ví dụ như tại Bangladesh, thuế hiện đang là một trong những “bài toán nóng”. Từ trước đến nay, do hạn chế ứng dụng CNTT nên việc quản lý thuế gián thu trong đó có thuế VAT của Chính phủ Bangladesh gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu đúng, thu đủ thuế, tổng hợp thống kê số liệu.

Để quản lý số thuế gián thu từ khâu đăng ký, khai báo cho đến thu thuế, thanh tra, giám sát, đi cùng với đó là các công cụ tổng hợp, phân tích, hỗ trợ ra quyết định, cơ quan thuế Bangladesh buộc phải ứng dụng CNTT.

Từ 20 năm trước, FPT đã bắt đầu tham gia triển khai các dự án CNTT lớn cho ngành thuế và tài chính của Việt Nam với rất nhiều hệ thống phần mềm đáp ứng nhu cầu quản lý của ngành, từ thuế công thương, thuế nông nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cao, cấp mã số Thuế, kết nối Thuế - Kho bạc - Hải quan, thuế Thu nhập cá nhân, quản lý ngân sách cho Kho bạc Nhà nước.

“Trong các thầu lớn, đặc biệt là của Ngân hàng Thế giới, luôn đòi hỏi các doanh nghiệp phải có kinh nghiệm triển khai các bài toán tương tự. Kinh nghiệm triển khai là thứ tài sản quý giá của FPT đã tích lũy được hơn 20 năm qua và đã giúp chúng tôi vượt qua các nhà thầu lớn để giành chiến thắng”, ông Bảo tự tin khẳng định.

Trên thực tế, để giành được hợp đồng kỷ lục tại Bangladesh, FPT đã vượt qua các doanh nghiệp CNTT lớn đến từ các nước phát triển như Anh, Pháp, Canada, Trung Quốc và Luxemburg.

FPT đã ghi một dấu ấn mới tại đất nước từ lâu vốn được coi là “sân nhà của Ấn Độ”. Trước đó, năm 2014, FPT IS cũng đã có được hợp đồng “Cung cấp và triển khai hệ thống Quản lý thuế thu nhập tích hợp cho cơ quan thuế Bangladesh” trị giá 6,6 triệu USD.

“Với tốc độ tăng trưởng kinh tế dao động từ 5-7%, các doanh nghiệp địa phương khá nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu là những công ty Ấn Độ, trong khi đó bài toán CNTT cần giải quyết tại Nam Á rất nhiều nên nếu doanh nghiệp nào nhanh chân sẽ có nhiều cơ hội tại các thị trường này”, ông Đỗ Cao Bảo nhận định.

Tin liên quan
Tin khác