Giá trị thương hiệu đã được nói đến trong nhiều năm trở lại đây, nhưng định giá thương hiệu của mỗi doanh nghiệp là bao nhiêu thì ít người có thể biết được.
Không tính giá trị thương hiệu sẽ bị bán hớ
Tại cuộc hội thảo Xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu vừa được Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 4/7/2017, không ít người thực sự bất ngờ khi ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Công ty Brand Finace (hãng định giá thương hiệu hàng đầu thế giới) công bố giá trị thương hiệu hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi tại Việt Nam (xem bảng)
Thương hiệu | Giá trị năm 2016 (triệu USD) |
Vinamilk | 1.010 |
Petrovietnam | 564 |
Sabco | 369 |
Vietinbank | 249 |
BIDV | 218 |
Vietcombank | 189 |
Thaco | 154 |
Techcombank | 88 |
Vinacafe | 70 |
Sacombank | 64 |
Hòa Phát | 61 |
VPBank | 57 |
PNJ | 48 |
Hoa sen | 37 |
Kinh đô | 32 |
Viettien | 23 |
“Nhiều người định giá Viettel hiện vào khoảng 2 tỷ USD, hiện xếp ở vị trí thứ 48 trong top 50 công ty viễn thông hàng đầu thế giới. Nhưng ít ai biết được rằng, Viettel có giá trị thương hiệu vô cùng lớn. Chúng tôi ước lượng, 15% giá trị của Viettel là giá trị thương hiệu, vì vậy, tối thiểu thương hiệu Viettel cũng trị giá 300 triệu USD”, ông Samir Dixit cho biết.
Chuyên gia định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, ông Samir Dixit thừa nhận, trong những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn tới xây dựng, đầu tư, quản lý và bảo vệ thương hiệu, nhưng so với các nước trên thế giới, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá thấp so với tổng giá trị doanh nghiệp khi định giá để IPO, phát hành thêm cổ phiếu, mua bán, sát nhập, chuyển nhượng.
Ông Samir Dixit cho biết, ở các nước trên thế giới, giá trị thương hiệu thường chiếm 47% tổng giá trị doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam con số nay không tính được vì không nằm trong bảng cân đối kế toán, sổ sách theo dõi sự biến động của tài sản không theo dõi sự biến động của tài sản vô hình - thương hiệu doanh nghiệp vì vậy, trong nhiều cuộc mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng, IPO, phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp Việt Nam đã bị mất đi số tài sản không nhỏ.
“Tổng giá trị tài sản của Vinamilk ước tính vào khoảng 7 tỷ USD, trong đó thương hiệu “Vinamlik” năm 2015 được định giá khoảng 1.137 triệu USD. Nhưng đây cũng chỉ là con số tính toán, ước ượng nên giá trị thật của thương hiệu Vinamilk có thể còn cao hơn nhiều vì với doanh nghiệp sản xuất đồ uống, sữa, café, rượu bia, nước giải khát… giá trị thương hiệu có thể chiếm tới 90% giá trị doanh nghiệp”, ông Lê Ngọc Lân, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung.
“Kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, các thương vụ mua bán, sáp nhập, phát hành cổ phiếu diễn ra tấp nập, nếu không quan tâm định giá thương hiệu rất dễ bị bán hớ tài sản vì đã không tính giá trị tài sản là thương hiệu vào trong giá trị doanh nghiệp. Mặc dù không xác định được giá trị thương hiệu, nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm tới xây dựng, đầu tư, quảng bá để làm gia tăng giá trị thương hiệu. Vì thế, sau khi xác định tài sản hữu hình, nên cộng thêm 20-25% giá trị vô hình vào giá trị tài sản sau đó mới tính ra giá trị doanh nghiệp để khỏi mua bán hớ”, chuyên gia định giá thương hiệu Samir Dixit khuyến cáo.
Không bảo hộ sở hữu trí tuệ phải trả giá đắt
Mới đây, thế giới đã chứng kiến cuộc tranh chấp thế kỷ xảy ra giữa Apple và Samsung (tranh chấp vể kiểu dáng và giải pháp kỹ thuật của sản phẩm smartphone). Cuộc tranh chấp này không chỉ diễn ra ở Hoa Kỳ và Hàn Quốc mà diễn ra trên toàn cầu, tại nhiều thị trường khác nhau, tại nhiều tòa án ở các nước khác nhau. Cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết, vì có tòa án tuyên bố Apple xâm phạm sở hữu trí tuệ của Samsung, ngược lại có tòa án tuyên Samsung xâm phạm sở hữu trí tuệ của Apple, và có tòa tuyên cả 2 bên xâm phạm sở hữu trí tuệ của nhau.
Cuộc chiến giữa Apple và Samsung chỉ là ví dụ điển hình cho thấy, các doanh nghiệp trên thế giới không chỉ quan tâm tới xây dựng giá trị thương hiệu, mà còn vô cùng quan tâm tới việc bảo vệ thương hiệu thông qua việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Còn tại Việt Nam thì sao? “Vinataba” là thương hiệu thuốc lá rất nổi tiếng của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, nhưng do chủ yếu bán ở thị trường trong nước nên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam không đăng ký bảo hộ thương hiệu “Vinataba” ở nước ngoài. Khi Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thuốc lá mang thương hiệu Vinataba đã bị chặn lại do thương hiệu này đã được Công ty Putra Salbat của Indonesia đăng ký bảo hộ ở khắp các quốc gia trên thế giới từ trước.
Còn trước đó nữa, Incombank đã buộc phải đổi tên giao dịch quốc tế thành VietinBank vì thương hiệu Incombank đã được một ngân hàng ở châu Âu đăng ký thương hiệu và đề nghị được bảo hộ trên toàn cầu.
Gần đây là thương hiệu cafe Buôn Mê Thuột, bánh phông tôm Sagiang, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi… cũng đều bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nhiều nước trên thế giới trước khi các doanh nghiệp Việt Nam ý thức được giá trị của thương hiệu.
“Muốn lấy lại thương hiệu đã được doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký bảo hộ vô cùng khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí tiền bạc cho luật sư. Nếu không phải chấp nhận mua lại thương hiệu của chính mình hoặc phải trả một cái giá không hề nhỏ. Cụ thể, khi xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của mình vào quốc gia đã được doanh nghiệp khác đăng ký thương hiệu từ trước phải trả một khoản tiền nhất định tính trên từng sản phẩm”, ông Lê Ngọc Lân cho biết.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải trả cái giá quá đắt khi bị mất thương hiệu, nhưng theo ông Lâm dường như doanh nghiệp nội địa vẫn chưa thực sự quan tâm tới việc đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, nếu như năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 341 sản phẩm, từ đó đến nay, số sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ tăng lên, nhưng năm 2016 mới chỉ dừng lại ở con số 675. Trong khi đó, năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 3.640 sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài thì năm 2016 con số này đã lên tới 5.366 sản phẩm.
“Nói chung, doanh nghiệp trong nước có tiền chỉ tính đến chuyện mở rộng đầu tư thay vì đầu tư vào chiều sâu, đầu tư vào chât xám, cải tiến kỹ thuật, tính năng, mức độ hữu dụng, kiêu dáng công nghiệp... và bảo vệ thành quả của mình. Và khi bị kiện tụng vì xâm phạm sở hữu trí tuệ do doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký bảo hộ trước đó thì mới tìm cách lấy lại mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc”, ông Lâm phát biểu.