Chuyển đổi số - Kinh tế số
Thương mại điện tử bùng nổ trong năm 2021
Thế Hoàng - 02/02/2021 06:57
Thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ trong năm 2021, dự báo tăng trưởng vượt xa mốc doanh thu xấp xỉ 12 tỷ USD của 2020.
Hơn một nửa dân số Việt Nam đã tham gia vào hoạt động mua sắm trực tuyến.Ảnh: Đức Thanh

 Tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đã đưa thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, thương mại điện tử đã có một năm tăng trưởng ấn tượng và sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2021 và các năm tới.

Theo Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2025, có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm. Doanh số thương mại điện tử của mô hình thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ thuộc ba nước đứng đầu khu vực. Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng của 3 nền kinh tế Internet lớn nhất khu vực Đông Nam Á đạt trung bình 35 - 36%, theo đó, Việt Nam là 36%, đứng đầu là Indonesia với 41%, thứ ba là Phillipines 30%.

Theo báo cáo "Nền kinh tế Internet Đông Nam Á" năm 2020 của Google và Temasek, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á ước đạt 105 tỷ USD trong 2020 và dự kiến sẽ đạt 309 tỷ USD vào năm 2025, trở thành một trong những khu vực tăng trưởng thương mại trực tuyến (online commerce) nhanh nhất thế giới.

Nghiên cứu của Nielsen chỉ ra rằng, từ khi đại dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử tăng mạnh. Năm qua, có 70% người dân Việt Nam tiếp cận với Internet, 53% người dùng ví điện tử thanh toán khi mua hàng qua mạng, tăng 28% so với năm 2019.

Đặc biệt, tại Hà Nội và TP.HCM, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm đến 70% tổng lượng giao dịch thương mại điện tử của cả nước.

Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki cho biết, trong thời đại kinh tế số hiện nay, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để kinh doanh thành công trên các sàn thương mại điện tử.

Số liệu thống kê của 10.000 nhà bán hàng tham gia khảo sát thường niên của Sapo, (Công ty chuyên cung cấp nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh đang được hơn 100.000 chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp bán lẻ sử dụng) vừa công bố cho thấy, kết quả kinh doanh năm 2020 hé lộ những tín hiệu đáng mừng khi 30,6% nhà bán hàng cho biết, họ có sự tăng trưởng doanh thu so với năm 2019.

Người Việt Nam đang ngày càng ưa thích sử dụng các dịch vụ trên Internet, từ di chuyển, ăn uống cho tới giải trí. Điều này được thể hiện khá rõ khi tỷ lệ thâm nhập của Internet lại Việt Nam lên tới 66%, trong đó, 50,6% dân số Việt Nam đã tham gia vào hoạt động mua sắm trực tuyến.

Chuyển đổi số nhanh hơn

Một thực tế là, Covid-19 đã đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn. Vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chuyển đổi hoàn toàn mô hình bán hàng sang online hoặc đẩy mạnh kinh doanh online hơn so với trước đó.

Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Tăng trưởng Công ty CP Công nghệ Sapo đánh giá: “So với 2018 và 2019, điểm khác biệt lớn nhất của năm 2020 nằm ở kênh bán hàng. Nhằm vượt qua biến động lớn của thị trường, nhiều nhà bán hàng chọn giải pháp bắt đầu bán hàng online hoặc đẩy mạnh kinh doanh trên các trang thương mại điện tử”.

Thích ứng với thời đại số hóa, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cũng vừa ra mắt sàn thương mại điện tử. Ở thời điểm hiện tại, trên sàn này đã có nhiều mặt hàng được bày bán, từ nông sản, đặc sản vùng miền, hàng tiêu dùng nhanh đến hàng thời trang... của các đơn vị Bảo Minh, May Thắng Lợi, Thực phẩm Bích Chi, Dệt kim Hà Nội, Hạt Tân Tân, Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt...

Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS) cho hay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tìm được cách tiếp cận online bài bản, đúng hướng, nên DTS và BSA tạo ra một chương trình khung để doanh nghiệp có thể hiểu được phần chuyển đổi số tổng thể, đơn giản nhất.

Thực tế, mô hình bán hàng đa kênh thể hiện ưu thế trong mùa dịch, có tới 24,1% nhà bán hàng đa kênh trên sàn thương mại điện tử, Facebook và website ghi nhận có tăng trưởng doanh thu trong và sau dịch bệnh. Nhằm đối phó với dịch bệnh, các mô hình kinh doanh truyền thống đều đẩy mạnh kênh bán hàng online hơn trước. Gần 24% nhà bán lẻ chuyển đổi hoàn toàn từ bán hàng truyền thống sang bán hàng online, nhờ vậy, 56% trong số họ đã hồi phục kinh doanh, thậm chí vượt mức doanh thu của thời điểm trước khi Covid-19 diễn ra.

“Năm 2021, dự đoán xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ chính là chuyển đổi mạnh mẽ sang bán hàng đa kênh, đẩy mạnh bán hàng online bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống. Không chỉ đầu tư cho kênh bán hàng, nhà bán lẻ cần tập trung phân bổ ngân sách marketing, tiếp thị, quảng cáo để đáp ứng được tiêu chí hiệu quả cao - chi phí phù hợp”, bà Dung dự đoán.

Cũng theo kết quả khảo sát của Sapo, 70% chủ cửa hàng tin tưởng tình hình kinh doanh năm 2021 sẽ được phục hồi và tăng trưởng.

“Trong khi 6% chủ shop bi quan về tình hình thị trường, cho rằng nền kinh tế chưa phục hồi hậu đại dịch, chịu tác động xấu của kinh tế thế giới; thì 70% chủ shop tin tưởng và kỳ vọng lớn vào khả năng phát triển của năm 2021”, Báo cáo của Sapo cho biết.

Cùng với Indonesia, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet. Lượng hàng hóa này chiếm khoảng 5% GDP của cả nước. Lĩnh vực thương mại điện tử, truyền thông và dịch vụ gọi xe tại Việt Nam cũng được dự đoán sẽ phát triển nhanh hơn các nước khác trong khu vực.

Do Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nhắm tới việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á cho rằng, phần lớn các công ty này đang thay đổi mô hình kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ để thích ứng với tình hình mới do ảnh hưởng của đại dịch. Điều này cho thấy khả năng thích ứng và phản xạ nhanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác