Chúng ta đã đi qua nửa chặng đường của năm 2020, cùng với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều biến động khác nhau cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia trên toàn cầu. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy của những ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng như cuộc sống của chúng ta hiện nay đang dần hồi phục và dịch chuyển sang một trạng thái ‘bình thường mới’. Trước bối cảnh đó, tôi muốn chia sẻ một số nhận xét khách quan về thị trường nói chung, thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng, để chúng ta có thể thích nghi với các thay đổi hậu COVID-19.
Tầm quan trọng của toàn cầu hóa đối với các cơ hội xuyên biên giới
Đại dịch đã mang lại nhiều biến động và rủi ro trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, những mối quan hệ quốc tế được thiết lập và phát triển qua nhiều thập kỷ toàn cầu hóa đã thúc đẩy sự trao đổi kịp thời đối với các giải pháp, nguồn cung sản phẩm y tế cũng như các khoản quyên góp để giải quyết những thách thức chung mà chúng ta đang phải đối mặt trước đại dịch.
Với triết lý luôn lấy khách hàng làm trung tâm, chúng tôi nhận thức sâu sắc về trách nhiệm và vai trò thiết yếu của một công ty đa quốc gia như Amazon trong đại dịch. Chúng tôi đã chủ động tham gia vào công cuộc giải quyết khủng hoảng trên toàn cầu, bằng cách tối ưu hóa các mạng lưới và tài nguyên sẵn có đồng thời cung cấp các nhu yếu phẩm cho khách hàng. Hơn thế nữa, nhiều nhà bán hàng trên Amazon đã tận dụng khả năng sản xuất và lợi thế của chuỗi cung ứng, cùng chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, những người bán hàng cũng đã tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của một công dân toàn cầu thông qua các hoạt động quyên góp.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu một lần nữa đã củng cố niềm tin rằng chúng ta cần hợp tác chặt chẽ và suy nghĩ lại về mức độ quan trọng của việc tận dụng những lợi thế từ toàn cầu hoá với tầm nhìn dài hạn hơn. Phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng trên toàn cầu, Amazon hy vọng sẽ tạo động lực cho những người bán hàng trên toàn thế giới nắm bắt tốt hơn các cơ hội phục hồi hậu COVID-19.
Xu hướng mới trong tiêu dùng và kinh doanh toàn cầu
Trong đại dịch, các kênh bán hàng trực tuyến là một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm. Tôi tin rằng việc chuyển đổi hình thức mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai dài hạn. Tại Mỹ, tần suất mua sắm trực tuyến tăng tới 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ (theo báo cáo của McKinsey & Company). Hơn thế nữa, trong một số khảo sát được thực hiện gần đây tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Singapore, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch đã kết thúc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đang dần chuyển sang các dịch vụ và kênh bán hàng kỹ thuật số để giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi kinh doanh. Nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số đặc biệt cấp thiết đối với các doanh nghiệp thương mại truyền thống. Xu hướng này khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều hơn về các phương thức giúp họ tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số để thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi đã cập nhật nhanh chóng các chính sách và hướng dẫn cụ thể các quy trình của Amazon cho người bán hàng. Trong đó có thể kể đến chương trình miễn giảm một phần phí lưu kho trong dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng của Amazon (Fulfillment by Amazon - FBA) hay chương trình Tự hoàn thiện đơn hàng (Merchant Fulfilled Network - MFN)… Các chính sách này áp dụng đối với người bán hàng của Amazon trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, tại Việt Nam, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn và đào tạo trực tuyến, tập trung chia sẻ thông tin về dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng Amazon (FBA), quy trình đăng ký tài khoản, các công cụ hỗ trợ quảng cáo và phát triển thương hiệu. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ để cung cấp đầy đủ thông tin và kiến thức, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt nắm bắt các cơ hội xa hơn và phát triển tiềm năng thương mại điện tử.
Tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới
Một báo cáo gần đây được công bố bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhận định: “Đại dịch COVID-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Nhiều quốc gia cũng khởi xướng các chính sách liên quan để đẩy mạnh phát triển ngành thương mại điện tử. Trong đó, có thể kể đến Quyết định số 431/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch và tăng tốc độ thông quan hàng hóa. Cùng với đó Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6 vừa qua và dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế nội địa, với 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU được xóa bỏ. Những biện pháp này sẽ củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào sự phát triển vượt bậc trong tương lai của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tập trung nâng cao năng lực dài hạn
Chúng tôi thấy được rất nhiều tấm gương người bán hàng đã vượt qua đại dịch này bằng tinh thần kiên định, sự can đảm, không ngừng khám phá và thử nghiệm. Nhưng để đạt được thành công bền vững hơn, họ cần có một tư duy toàn cầu, đồng thời chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm để nhận được sự tín nhiệm của khách hàng quốc tế.
Về phía Amazon, chúng tôi sẽ liên tục đổi mới và tạo điều kiện cho người bán hàng xây dựng thương hiệu trên nền tảng Amazon, nhằm thúc đẩy họ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trung và cao cấp nói riêng, cũng như thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của ngành nói chung.
Khủng hoảng đi liền với cơ hội. Tôi tin rằng khi chúng ta cùng nhau vượt qua những thách thức này, ngành thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ chứng kiến những cơ hội tăng trưởng vượt bậc mới. Và cuối cùng, tôi hy vọng chúng ta sẽ luôn đồng hành cùng nhau để kiến tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn!.