Đồ họa: Đan Nguyễn |
“Giờ G” đã điểm
Theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về kế hoạch thương mại hóa 5G, trong tháng 9/2023, quy hoạch băng tần triển khai 5G sẽ được ban hành. Tiếp đó, tháng 11/2023, sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần triển khai 5G.
Doanh nghiệp trúng đấu giá sau khi nộp đủ các khoản tài chính theo quy định, sẽ được cấp giấy phép sử dụng băng tần trong vòng 15 ngày.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Viễn thông chủ trì phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện và các doanh nghiệp viễn thông di động trong quý IV/2023 nghiên cứu, xây dựng phương án chia sẻ hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp để bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư.
Trường hợp đấu giá băng tần thành công và được cấp phép, doanh nghiệp cần một khoảng thời gian để lắp đặt, tối ưu hóa hạ tầng mạng lưới. Như vậy, nhanh nhất cũng phải đến quý I/2024 mới có thể thương mại hóa 5G diện rộng.
Mấu chốt là đấu giá và cấp phép băng tần
Bên cạnh giá thiết bị, ứng dụng và hệ sinh thái 5G, thì băng tần là yếu tố quyết định việc thương mại hóa 5G.
Trên thực tế, băng tần quý hiếm nhất cho 5G là 2,6 GHz đã được “để dành” từ đầu những năm 2000, khi Bộ Thông tin và Truyền thông kiên quyết không đồng ý sử dụng tần số này cho truyền hình đa kênh MMDS. Các băng tần cho 5G khác như 700 MHz cũng được giải phóng khi hoàn tất số hóa truyền hình. Với băng tần 3,5 Ghz, sau thời hạn sử dụng vệ tinh Vinasat-1, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có giải pháp để cung cấp cho doanh nghiệp viễn thông.
Vấn đề mấu chốt là, giá khởi điểm đấu giá băng tần 5G quá cao, khiến doanh nghiệp không mặn mà.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử, nguyên Cục trưởng Cục tần số vô tuyến điện chia sẻ, mục tiêu đầu tiên của việc đấu giá băng tần là minh bạch hóa việc cấp phép. Khối lượng băng tần có hạn, trong khi có nhiều doanh nghiệp tham gia, nên rất khó để lựa chọn cấp cho doanh nghiệp nào. Yêu cầu minh bạch hóa đòi hỏi phải đấu giá băng tần. Đồng thời, việc đấu giá cũng nhằm thu trước một phần giá trị tần số cho ngân sách.
Giá trị của tần số không chỉ thu qua đấu giá hoặc phí, mà còn nằm ở giá trị mang lại khi sử dụng trong tất cả các ngành kinh tế, giá trị dịch vụ, thuế giá trị gia tăng… và điều quan trọng hơn là lợi ích mang lại cho các đối tượng sử dụng các dịch vụ có băng tần.
Tuy nhiên, ông Hoan cho hay, do giá băng tần quy định hơi cao, nên khi tổ chức đấu giá, các nhà mạng Việt Nam không nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng cách tính giá khởi điểm của băng tần phù hợp để các doanh nghiệp tham gia, cách tổ chức đấu giá phải thể hiện được rằng, mức giá do thị trường quyết định một cách hợp lý.
“Với việc sửa đổi, thông qua cách tính giá khởi điểm đấu giá tần số của cơ quan quản lý, hy vọng việc đấu giá băng tần 5G sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 để cấp phép cho các nhà mạng thương mại hóa 5G vào năm 2024”, ông Hoan kỳ vọng.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam cho biết, nhiều quốc gia đã đấu giá băng tần với các công thức tính giá khác nhau, trong đó có những quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam, có thể tham khảo kinh nghiệm để đưa ra công thức tính giá băng tần.
“Ở nhiều quốc gia, khi đấu giá băng tần, mục tiêu quan trọng nhất không phải là thu tiền của các nhà mạng, mà tìm cách tạo điều kiện cho các nhà mạng triển khai dịch vụ thành công. Nếu thu quá cao, các nhà mạng sẽ mất nhiều chi phí cho băng tần, dẫn đến giá thành dịch vụ sẽ cao. Do đó, điều cần thiết và quan trọng nhất là có băng tần thuận lợi, phù hợp với hệ sinh thái thiết bị và có mức chi phí hợp lý để các nhà mạng triển khai dịch vụ thành công”, ông Nam phân tích.
Về phía nhà mạng, ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cũng nhấn mạnh, đấu giá băng tần là điều kiện tiên quyết để thương mại hóa 5G. Các nhà mạng khi đấu giá băng tần đều phải xây dựng phương án đầu tư kỹ càng, hạn chế chi phí hạ tầng quá cao. Bởi nếu đầu tư lớn để thương mại hóa 5G diện rộng, nhưng khách hàng chưa có nhu cầu, thì hiệu quả không cao.
Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Viettel đánh giá cao nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc hoàn thiện và đồng bộ các chính sách về tần số trong Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông sửa đổi, Nghị định hướng dẫn Luật Tần số sửa đổi, các thông tư về quy hoạch tần số quan trọng... Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng thiết bị đầu cuối 5G để nhà mạng nhập về các thiết bị không lỗi thời, hỗ trợ tất cả các băng tần cần thiết trong tương lai, đồng thời đã tính toán rất kỹ việc cấp phép tần số.
“Tôi tin tưởng rằng, việc cấp phép thương mại hóa 5G sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng với chi phí phù hợp. Đây là điều kiện chín muồi để các nhà mạng đấu giá triển khai 5G, khi mà các thiết bị đầu cuối đã hơn nhiều so với 2 - 3 năm trước đây. Hy vọng, cuối năm 2023 - đầu năm 2024, các nhà mạng sẽ chính thức cung cấp 5G”, ông Tân nói.