Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia |
Hôm nay (18/3), ngày cuối cùng của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia. Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull muốn hối thúc các nhà lãnh đạo quan tâm hơn đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) “chất lượng cao” vừa được ký kết ngày 8/3.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng xem xét khuyến nghị của đại diện giới doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày hôm qua (17/3).
Trong khi đó, các vấn đề chiến lược như căng thẳng ở Biển Đông và việc gây áp lực đối với Bắc Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình thử vũ khí hạt nhân cũng là những nội dung trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia tại Hội nghị.
Sáng nay, bà Julie Bishop, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia cho biết, các nhà lãnh đạo ASEAN nhận thức rõ những lợi ích của mình, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc - đối tác thương mại quan trọng và là nguồn tài trợ vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo bà Julie Bishop, việc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đang tiến triển tốt.
“Chúng tôi không phải là bên đưa ra yêu sách, nhưng chúng tôi phản đối mọi hành động đơn phương gây căng thẳng. Chúng tôi cũng muốn đảm bảo rằng, tự do hàng không và tự do hàng hải phù hợp với luật quốc tế được duy trì”, bà Julie Bishop nói.
Hôm nay, Hội nghị tiếp tục thảo luận về vấn đề an ninh khu vực sau khi ký kết kế hoạch tăng cường hợp tác chống khủng bố. Kế hoạch này bao gồm việc triệt phá hoạt động tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, đảm bảo để luật chống khủng bố và các chương trình chống khủng bố được thực thi tốt nhất.
Các nhà lãnh đạo hy vọng rằng, việc tăng cường hợp tác này sẽ đảm bảo để không lặp lại tình huống như vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại Marawi (Philippines) năm ngoái.
Trong khi đó, với những diễn biến phức tạp tại Myanmar hiện nay, Thủ tướng Malaysia Najib Razak lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng người Rohingya tại Myanmar có thể bùng nổ thành một mối đe dọa an ninh đối với khu vực. “Tình hình người Rohingya ở bang Rakhine không còn được coi là vấn đề nội bộ thuần túy của Myanmar nữa”, ông Najib Razak cảnh báo.