Thời sự
Thương mại và đầu tư là nền tảng vững chắc của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Adam Sitkoff - 24/09/2024 08:10
Quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất. Xin gửi tới độc giả tóm lược bài viết của ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội viết riêng cho Báo Đầu tư về vấn đề này.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội

Việt Nam và Hoa Kỳ hiện có mối quan hệ hữu nghị bền chặt dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực gồm an ninh khu vực, giáo dục, y tế toàn cầu, an ninh lương thực và năng lượng, ứng phó thảm họa và nhiều lĩnh vực khác nữa. Thương mại là nền tảng của mối quan hệ song phương và những thay đổi lớn đã diễn ra trong sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.

AmCham hiện đại diện cho hơn 650 doanh nghiệp và 2.500 cá nhân của Hoa Kỳ trên khắp Việt Nam. Họ đã đầu tư hàng tỷ USD vào nền kinh tế Việt Nam, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp, hàng trăm ngàn lao động gián tiếp, tạo ra một phần đáng kể doanh thu từ xuất khẩu và thuế.

Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã và đang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và hạ tầng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp và công nghiệp chất lượng cao. Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Hoa Kỳ khi nhiều công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất đối với môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hợp lý, coi trọng sự đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư mới, mà còn để duy trì và phát triển đầu tư đã có. AmCham đã tích cực ủng hộ cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam trong hơn 15 năm qua, thông qua công việc của chúng tôi trong Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và các nỗ lực liên quan.

Trong khi một số thủ tục hành chính đã bị loại bỏ, thì một số luật và quy định mới vẫn tiếp tục đưa ra các thủ tục hành chính mới. Ví dụ, các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt với sự chậm trễ trong các thủ tục phê duyệt và gánh nặng hành chính tốn thời gian, cản trở hoặc đình trệ các dự án của họ và tác động đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng, cần có sự chấp thuận kịp thời đối với các quy hoạch tổng thể và các giấy phép liên quan, giấy phép kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài, cũng như việc sử dụng chính phủ điện tử và phê duyệt điện tử đáng tin cậy, nhất quán.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Việt Nam để xác định và loại bỏ những nút thắt trên, nhằm đảm bảo các quy tắc và quy định được đề xuất là nhất quán, đồng bộ với luật hiện hành cũng như các tiêu chuẩn quốc tế, không gây quá nhiều gánh nặng cho các doanh nghiệp. Cả nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đều cần thấy thêm tiến triển về cải cách trong các doanh nghiệp nhà nước, quản lý nhà nước và các quy trình quản lý đối với khu vực tư nhân.

Tôi ủng hộ trọng tâm của Chính phủ Việt Nam về việc xóa bỏ các nút thắt trong huy động nguồn lực, sản xuất và kinh doanh; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và tái tạo; khai thác toàn bộ tiềm năng của kinh tế số; đảm bảo khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và đổi mới trong ngành y tế; thúc đẩy đầu tư bền vững và tích hợp chuỗi cung ứng; phát triển lĩnh vực tài chính bao gồm thị trường vốn; tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh trong nền kinh tế.

AmCham mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giải quyết những thách thức trên và cải thiện các điều kiện kinh doanh, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thúc đẩy thịnh vượng. Tiến bộ trong các lĩnh vực này không chỉ giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài, mà còn hỗ trợ các doanh nhân Việt Nam, đồng thời hiện thực hóa khát vọng của Việt Nam trong việc cải thiện hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác