- Tài xế quá tải tăng tốc tông CSGT, TTGT vượt trạm cân
- TP HCM đầu tư 2 bãi xử lý xe quá tải
- Tiêu cực trong kiểm soát xe quá tải: Có sự tiếp tay của lực lượng làm nhiệm vụ?
- Phá trạm cân, chống đối lực lượng chức năng kiểm tra xe quá tải
- Minh "sâm" ngang nhiên lập trạm cân, phạt xe quá tải cách ủy ban xã 500m!
- Đầu gấu áp tải containner, xe quá tải chạy vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai
- Bộ trưởng Thăng "bắt sống" xe quá tải trước mặt Bí thư Hà Tĩnh
Tình trạng quá tải vẫn chực chờ bùng phát
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đánh giá: “Tỷ lệ 10% xe qua kiểm tra bị phát hiện quá tải trong quý I/2015 cho thấy, tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải trên toàn quốc đã giảm sâu”. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng thừa nhận rằng, trong thời gian tới, thách thức của việc “siết” tải trọng xe còn rất lớn, khi một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, lái xe còn nặng về đối phó, thay vì chấp hành nghiêm các quy định về tải trọng.
Đoàn xe chở quá tải trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang tập kết chờ đêm đến xuất phát |
Đặc biệt, dư luận còn phản ánh nhiều về tình trạng xe quá tải lén lút hoạt động vào ban đêm, chạy lách vào các tuyến đường liên huyện… để trốn sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Ở một số nơi, hiện tượng tiêu cực trong kiểm soát xe quá tải vẫn còn, gây bức xúc trong xã hội.
Chia sẻ quan điểm này, đại diện nhiều sở GTVT, sở công an cho rằng, tình trạng xe quá tải như căn bệnh trọng chưa thể chữa trị dứt điểm ngay lập tức, nên vẫn luôn chực chờ bùng phát trở lại nếu các cơ quan chức năng lỏng tay.
Cần phải nói thêm rằng, do chế tài xử phạt hành vi chở hàng quá tải khá nặng, nên một số chủ phương tiện, doanh nghiệp, lái xe chống đối quyết liệt. Có trường hợp cả ngày mới giải quyết xong vì lái xe không hợp tác, đóng cửa xe và bỏ đi hoặc thậm chí lao xe vào lực lượng làm nhiệm vụ, gây khó khăn cho kiểm tra, xử lý…
Cá biệt, tại địa bàn Hà Nội, có nhiều xe gắn biển kiểm soát của các tỉnh ra vào Thủ đô chở quá khổ, quá tải. Khi bị thanh tra, cảnh sát giao thông đuổi bắt, lái xe đều cố gắng tăng tốc chạy xe ra địa bàn tỉnh khác để trốn.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, cái gốc của việc xử lý xe quá tải phải từ các địa phương, thuộc trách nhiệm của Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Công an, Sở GTVT. Các cơ quan này phải tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến chống xe quá tải.
“Tại một số địa phương, khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp vào cuộc, ra nghị quyết chỉ đạo, thì việc kiểm soát xe quá tải đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số địa phương chưa có chỉ đạo của Tỉnh ủy, chưa có nghị quyết hoặc có, nhưng vào cuộc chưa đồng đều, nên hiệu quả chưa cao”, ông Thọ dẫn chứng.
Nghi vấn bảo kê chạy lọt trạm cân xe
Thông tin trên được ông Thái Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đưa ra tại Hội nghị Sơ kết công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quý I/2015 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới do liên Bộ GTVT, Công an tổ chức vào cuối tuần trước.
“Cách đây hai ngày, khi trực tiếp xuống khảo sát bãi xe ở quận 7, TP.HCM, tôi thấy có nhiều xe của một đơn vị vận tải lớn đậu tại bãi xe này cùng dán 1 loại “logo lạ”. Chủ bãi xe này giải thích, nếu không mang logo này, thì xe không thể “chạy lọt” qua trạm cân. Dường như tại TP.HCM đang có vấn nạn bảo kê cho xe chở quá tải”, ông Chung nhận xét và cho biết thêm, qua phản ánh của các doanh nghiệp, để mua logo (nhằm tránh không bị yêu cầu dừng khi qua các trạm kiểm soát tải trọng xe), chủ xe phải mất từ 3 đến 5 triệu đồng, thậm chí 6 triệu đồng/xe/tháng.
“Tình trạng xe chở quá tải chỉ chấm dứt ở một số tỉnh; ở các địa phương khác vẫn còn. Do đó, cơ quan nhà nước cần có quy định quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương để “lọt” xe quá tải”, ông Chung nói.
Khẳng định các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc rất mong siết chặt để đảm bảo công bằng, chi phí tiêu cực giảm, giải quyết tận gốc hiện trạng xe quá tải để minh bạch thị trường, đưa giá cước về đúng giá trị thực, ông Chung đặt ra câu hỏi: “Liệu có thể xử lý dứt điểm vấn nạn xe quá tải trong năm 2015 hay lại rơi vào tình trạng đá ném ao bèo như đã từng xảy ra trước đây?”.
Thừa nhận đây là vấn đề cần phải xử lý rốt ráo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, ngành công an sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm soát tải trọng xe, không để còn vùng cấm hay tình trạng bảo kê.
“Nếu để xảy ra hiện tượng này thì đó là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông”, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định và cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhằm giáo dục nhận thức cho chủ xe, chủ hàng, doanh nghiệp vận tải nắm được chủ trương, quy định liên quan để tạo sự đồng thuận cao.
Tại hội nghị, đại diện nhiều tỉnh, thành phố cũng cam kết sẽ vào cuộc quyết liệt bởi “siết” xe quá tải là cuộc chiến lâu dài, nên cần có đầy đủ các lực lượng, đồng thời cần phân công trách nhiệm rõ ràng của tổ công tác tại trạm, có sự hỗ trợ, giám sát lẫn nhau trong khi làm, bố trí thêm các trạm cân lưu động để kiểm soát chặt chẽ.
“Chúng ta không đánh trống bỏ dùi, sẽ chuẩn bị đủ nhân lực để làm lâu dài, xóa tan nghi ngờ của người dân và doanh nghiệp vận tải về việc này. Tất cả các trạm thu phí BOT sẽ được lắp đặt cân cố định, sử dụng camera để phạt nguội… và cuối năm 2015, sẽ đưa vào thực hiện”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định.