Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP |
Bằng cách làm rõ chi tiết các khoản đầu tư vào cầu đường và hạn chế tranh luận, Thượng viện Mỹ đã thực hiện thêm hai bước nữa để đi đến thông qua dự luật về đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD.
Trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện hôm 8/8 (giờ Mỹ) với kết quả 69 phiếu thuận và 28 phiếu chống, 19 thành viên đảng Cộng hòa, cùng 48 thành viên đảng Dân chủ và hai thượng nghị sĩ theo hướng trung lập đã ủng hộ các điều khoản cam kết trong dự luật. Đây là kết quả sau những các cuộc đàm phán khó khăn của một nhóm thượng nghị sĩ của hai đảng.
Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu về việc hạn chế tranh luận về dự luật về gói đầu tư cơ sở hạ tầng tổng thể này, với kết quả 68 phiếu thuận và 29 phiếu chống.
Với những kết quả trên, Thượng viện đã đưa dự luật đi đúng hướng để tiến hành một cuộc bỏ phiếu thông qua dự kiến vào ngày 9/8 hoặc ngày 10/8 (giờ Mỹ), và sau đó chuyển dự luật đến Hạ viện.
Gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Việc thông qua dự luật sau khi đa số Thượng viện đã nhiều lần bỏ phiếu tán thành, có thể sẽ là chiến thắng lớn cho Tổng thống Biden và những nhà lập pháp lưỡng đảng đã tham gia xây dựng luật này.
Thế đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều rất mong manh, bởi quyền lực Quốc hội Mỹ hiện đang được chia làm đôi. Chiếu theo hiến pháp Mỹ, một khi quyền lực Quốc hội bị chia làm đôi, nếu Tổng thống là người theo đảng nào, thì Phó tổng thống của đảng đó sẽ có phiếu bầu quyến định, nếu như hai đảng không đạt được đồng thuận và kết quả bỏ phiếu là 50 - 50. Đối chiếu với tình hình hiện nay, Phó tổng thống Kamala Harris đang nắm một phiếu quyết định duy nhất.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà sẽ chỉ đưa gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD trên ra bỏ phiếu sau khi Thượng viện thông qua một dự luật chi tiêu riêng trị giá 3.500 tỷ USD nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe tại nhà. Phe Dân chủ muốn thông qua dự luật chi tiêu 3.500 tỷ USD trên mà không cần đến sự ủng hộ của phe Cộng hòa, bằng cách sử dụng quy tắc "reconciliation" (hòa giải).
Reconciliation về cơ bản là một cách thức để Quốc hội Mỹ quyết định thông qua một đạo luật về thuế, chi tiêu và trần nợ chỉ với số phiếu đạt được là 51 phiếu hoặc 50 phiếu (nếu Phó tổng thống không ra phiếu bầu quyết định) tại Thượng viện, nhắm tránh nguy cơ xảy ra "Filibuster" - một thủ thuật bao gồm các chiến dịch tổ chức tranh luận, vận động hành lang,… nhằm giúp phe thiểu số ở Thượng viện có thể phản đối một dự thảo, hoặc không thông qua quyết định của phe đa số.
Trên thực tế, các cuộc bỏ phiếu về gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD tại Thượng viện Mỹ vào ngày 8/8 đã bị trì hoãn cho đến tối do sự phản đối duy nhất của thượng nghị sĩ Bill Hagerty, người đã sử dụng các quy tắc Quốc hội để yêu cầu tất cả 100 thượng nghị sĩ đồng ý xúc tiến quá trình thông qua dự luật. Lý do mà thượng nghị sĩ Hagerty phản đối gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD là do lo ngại thâm hụt ngân sách liên bang sẽ phình to.
Tuần trước, ông cũng đã tuyên bố phản đối gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD sau khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết gói đầu tư sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang thêm 256 tỷ USD trong 10 năm.
Phân tích của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ không tính đến doanh thu 57 tỷ USD mà Washington có thể thu về dài hạn từ lợi ích tăng trưởng kinh tế của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời cũng không tính đến khoản 53 tỷ USD quỹ liên bang chưa sử dụng mà các tiểu bang sẽ trả lại.
Bất chấp sự thất vọng của các nhà lập pháp về tiến độ chậm chạp của dự luật, các thành viên đảng Dân chủ vẫn tin rằng dự luật cuối cùng sẽ được thông qua. "Cuối cùng, dự luật này là quá quan trọng và không thể không thông qua. Đổ bể, như họ nói, không phải là một lựa chọn", thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tom Carper cho biết.