Doanh nghiệp
Thương vụ sáp nhập ứng dụng gọi xe Uber vào Grab: Nghi vấn vi phạm Luật Cạnh tranh
Hữu Tuấn - 01/04/2018 21:21
Việc hai ứng dụng công nghệ gọi xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Grab và Uber “về với nhau” bị đặt nghi vấn vi phạm Luật Cạnh tranh.

Yêu cầu báo cáo thông tin vụ sáp nhập

Theo thông báo mới nhất từ phía Grab, từ ngày 8/4/2018, các tài xế Uber (cả tài xế xe máy và ô tô) sẽ được chuyển sang hoạt động với ứng dụng Grab. Theo đó, Uber sẽ sáp nhập vào Grab tại khu vực Đông Nam Á và Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab. Đồng thời, CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia Ban lãnh đạo của Grab.

Ngay sau khi có thông báo trên, ngày 27/3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Grab cung cấp tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber, cũng như hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á trước ngày 3/4/2018.

Thương vụ sáp nhập của Grab và Uber đang đứng trước một cuộc tranh cãi pháp lý lớn.

Theo công văn hỏa tốc trên, căn cứ chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh quy định tại khoản 2, Điều 7, Luật Cạnh tranh, trong đó có nhiệm vụ kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế diễn ra trên thị trường.

“Trước khi thương vụ Grab thâu tóm Uber ở Đông Nam Á hoàn tất, chúng tôi không nhận được hồ sơ thông báo về tập trung kinh tế. Chúng tôi vừa yêu cầu Grab cung cấp hồ sơ liên quan để xem xét tính pháp lý. Trường hợp có vi phạm Luật Cạnh tranh thì sẽ buộc Grab không được hoạt động tại Việt Nam", ông Tuấn cho biết.

Tranh cãi pháp lý

Theo ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), thương vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo quy định, Grab và Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán để xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.

Điều 22, Luật Cạnh tranh quy định, trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ, về việc có thuộc trường hợp bị cấm hay không, lý do cấm.
Trong trường hợp giao dịch mua bán, sáp nhập vi phạm Luật Cạnh tranh, hậu quả pháp lý khá nghiêm trọng, mức tiền phạt tối đa lên tới 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi tập trung kinh tế vi phạm.

"Nếu thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể, nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành. Để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép tất cả các cơ quan cạnh tranh của tất cả các nước Đông Nam Á có quy định này", ông Đức cho biết.

Hiện trạng 2 ứng dụng gọi xe này tại Việt Nam khá phức tạp. Grab đã thành lập Công ty TNHH GrabTaxi, có pháp nhân ở Việt Nam, còn Uber Việt Nam thì khẳng định rằng, họ không phải là doanh nghiệp, mà chỉ được Uber B.V có trụ sở tại Hà Lan ủy quyền.

Tuy nhiên, các chuyên gia cạnh tranh cho rằng, theo khoản 3, Điều 17 của Luật Cạnh tranh, thì hình thức tập trung kinh tế bao gồm cả việc “một doanh nghiệp mua một phần tài sản của doanh nghiệp khác để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp mua lại”.

Mặt khác, đối tượng điều chỉnh Luật Cạnh tranh bao gồm cả tổ chức, cá nhân cung ứng sản phẩm, dịch vụ tại Việt Nam, nên dù thương vụ diễn ra ở đâu cũng thuộc quyền điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Điều này cũng giống như thương vụ Tập đoàn TCC của Thái Lan mua lại hệ thống kinh doanh Big C từ tay Casino (Pháp).

Một yếu tố khác, theo quy định, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải chiếm trên 50% thị phần trên thị trường liên quan. Cơ quan chức năng phải chứng minh cuộc sáp nhập này khiến thị phần “cung cấp phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý, kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng” của Grab và Uber chiếm trên 50% thị trường liên quan.

Theo số liệu của Bộ Giao thông - Vận tải, tính đến cuối năm 2017, Grab có 18.110 phương tiện ô tô kết nối (chiếm 49,19% thị phần), còn Uber có 3.614 phương tiện. Như vậy, lượng xe của hai doanh nghiệp là 21.724/36.809 xe của cả nước kinh doanh theo hình thức kết nối giữa người sử dụng và xe, chiếm 59,01%.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nhận xét, chưa thể khẳng định ngay là thương vụ này vi phạm Luật Cạnh tranh, vì việc sáp nhập giữa 2 doanh nghiệp ở nước ngoài, trong đó, Grab Việt Nam là pháp nhân Việt Nam độc lập, chỉ có 49% vốn của Grab nước ngoài. Do đó, việc xem xét xác định thị phần thế nào chưa rõ.

“Vẫn chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay công nghệ, nên chưa đủ cơ sở khẳng định thị phần trên 50%. Ít nhất cũng phải tách bạch được phần liên kết với các hãng taxi và phần còn lại. Ngoài ra, kể cả trường hợp đã xác định rõ 2 hãng này kinh doanh taxi và chiếm thị phần nào đó, thì cũng còn phải xác định tiếp là tính trên toàn bộ 100% doanh thu hay chỉ 20% là phần mà họ được hưởng (tài xế hưởng 80% còn lại)”, ông Đức nhận định.

Có thể thấy, thương vụ sáp nhập của Grab và Uber đang đứng trước một cuộc tranh cãi pháp lý lớn.

Tin liên quan
Tin khác