Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia của RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam |
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam và sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc?
Tài chính tiêu dùng Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ năm 2013 nhờ sự phát triển của tầng lớp trung lưu và nền kinh tế. Tuy nhiên, tài chính tiêu dùng vẫn còn mới đối với phần lớn người Việt Nam. Cũng như các thị trường mới nổi khác, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển tài chính tiêu dùng hiện đại.
Theo các số liệu đã được công bố, cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm 15 - 20% tổng dư nợ của nền kinh tế trong những năm vừa qua. Tỷ lệ này đạt hơn 35% ở các nước láng giềng như Thái Lan và 40 - 50% ở các nước phát triển. Nếu không tính vay bất động sản, vay tiêu dùng tại Việt Nam chiếm 9% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với mức 15 - 35% tại các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việt Nam hiện có hơn 97 triệu dân, với khoảng 69% dân số chưa có tài khoản ngân hàng và 10% chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản. Mặc dù các ngân hàng thương mại cung cấp nhiều giải pháp tài chính, song phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa được tiếp cận và hỗ trợ nhiều. Do đó, chúng tôi tin rằng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Với triển vọng tăng trưởng hấp dẫn, những tay chơi lớn như FE Credit, Home Credit, HD Saison đang gặp khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt với những tay chơi mới như Shinhan Finance, Lotte Finance, Mirae Asset, Mcredit, FCCOM… Mặc dù cạnh tranh, chúng tôi nhận thấy hai xu hướng chính của các công ty tài chính tiêu dùng có thể tạo ra cơ hội cho những công ty mới muốn gia nhập thị trường.
Thứ nhất, các công ty tài chính tiêu dùng đang tập trung bán chéo và bán thêm cho các khách hàng hiện hữu có lịch sử tín dụng uy tín, thay vì khách hàng mới, nhằm giảm rủi ro tín dụng.
Thứ hai, các công ty tài chính tiêu dùng có thể thiếu hạ tầng cho vay hay mô hình rủi ro tín dụng phù hợp. Do đó, chúng tôi tin rằng, lĩnh vực này chắc chắn sẽ có sự gia nhập của các nhà đầu tư nước ngoài với thế mạnh về mô hình kinh doanh tích hợp công nghệ cũng như chuyển giao kinh nghiệm phát triển quy trình hoạt động và quản trị rủi ro tín dụng.
Theo quan sát của chúng tôi, nhà đầu tư Nhật Bản đang tăng tốc tham gia thị trường Việt Nam vì sức hấp dẫn của mô hình kinh doanh sinh lời cao trong bối cảnh Nhật Bản duy trì lãi suất siêu thấp.
Thương vụ khủng giữa SMFG và FE Credit sẽ tác động như thế nào đến FE Credit, SMFG và toàn thị trường nói chung, thưa ông?
Mặc dù lần cuối RECOF thực hiện thành công một giao dịch trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng là vào năm 2014, song chúng tôi cũng đã tham gia một số giao dịch tiềm năng khác trong lĩnh vực này tại Việt Nam trong 6 - 7 năm qua, nên chúng tôi nhận thức rất rõ giá trị của FE Credit.
Ít nhất đối với SMFG, giao dịch này sẽ giúp họ mở rộng thị trường Việt Nam và tiếp cận nhiều tập khách hàng khác nhau, khai thác tiềm năng thị trường. SMFG cũng là cổ đông lớn của ngân hàng Eximbank tại Việt Nam. Bản thân SMFG phụ trách các tập đoàn lớn của Nhật Bản khi họ đầu tư vào Việt Nam, trong khi Eximbank tập trung vào các công ty quy mô nhỏ và vừa.
SMFG, với tiềm lực tài chính dồi dào, hiện có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nên việc họ mở rộng mảng kinh doanh sang tài chính tiêu dùng là có thể hiểu được. Khi được cổ đông lớn SMFG hỗ trợ và với danh tiếng của thương hiệu Promise (thương hiệu tài chính tiêu dùng của SMFG), thì FE Credit có thể thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Thái Lan - nơi SMFG đã có hoạt động và có lượng khách hàng nhất định.
Theo ông, có khác biệt gì giữa chiến lược, bí quyết kinh doanh, kinh nghiệm cùng xu hướng của Việt Nam và Nhật Bản trong ngành tài chính tiêu dùng?
Bí quyết kinh doanh trong dịch vụ tài chính tiêu dùng mà các công ty Nhật Bản có thể truyền tải, hệ thống đánh giá tín dụng và chấm điểm khách hàng là những thứ, tôi nghĩ, sẽ là điểm mạnh được “nhập khẩu” từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế là việc chấm điểm tín dụng của các công ty tín dụng tiêu dùng Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào thông tin tín dụng của các cá nhân có sẵn trong cơ sở dữ liệu của các tổ chức liên ngành ở Nhật Bản. Tôi e rằng, những điểm mạnh và công nghệ này có thể không dễ áp dụng tại thị trường như Việt Nam, nơi dữ liệu khách hàng và cách vận hành khá khác biệt.