Ảnh minh họa |
Gió đổi chiều khi EI Nino quay trở lại
Không còn là lo ngại, hiện tượng EI Nino đã quay lại trở trong năm 2023, sau 3 năm liên tiếp La Nina, điều này khiến nhiệt độ tăng cao và có thể sẽ kéo dài từ 9 - 12 tháng, hoặc có thể kéo dài hàng năm.
Tại Việt Nam, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) cho biết, tại thời điểm ngày 11/6, 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước các hồ thủy điện không đảm bảo như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh và Pleikrong.
Được biết, trong năm 2022, tổng khối lượng của thủy điện là 95.054 GWh, chiếm 35% tổng khối lượng phát điện; nhiệt điện (134.540 GWh), chiếm 50% tổng khối lượng phát điện; điện mặt trời (25.530 GWh), chiếm 10% tổng khối lượng phát điện.
Năm 2022 là năm thuận lợi cho các nhà máy thủy điện, vì vậy tổng khối lượng phát điện được huy động do giá thành thấp hơn các nguồn phát khác, ngược lại, các nguồn phát điện như nhiệt điện than, nhiệt điện mặt trời đã không được ưu tiên.
Với các diễn biến giai đoạn đầu năm 2023, cũng như những tháng vừa qua, việc nguồn phát điện từ các nhà máy thủy điện bị suy giảm, nhiều khả năng sẽ là cơ hội cho các nhà máy nhiệt điện, bao gồm nhiệt điện khí và nhiệt điện than có thể tăng công suất để bù đắp thiếu hụt điện.
Nhiệt điện tăng cường
Đối với nhóm nhiệt điện niêm yết, hiện nay có hai nhóm chính là nhiệt điện khí và nhiệt điện than. Trong đó, nhiệt điện khí chủ yếu Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã POW), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (PVPower NT2, mã NT2); nhóm điện điện than gồm Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC), Nhiệt điện Hải Phòng (HND) và Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP).
Riêng nhóm nhiệt điện than, Nhiệt điện Hải Phòng và Nhiệt điện Quảng Ninh là 2 doanh nghiệp có nhà máy mới vận hành, đang trong giai đoạn đẩy mạnh giảm nợ vay và bước vào giai đoạn vận hành ổn định, ước tính trong những năm tới, cả hai sẽ tiếp tục giảm lãi vay và chi phí khấu hao, điều này cải thiện biên lợi nhuận ròng.
Trong đó, tại Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty đang vận hành 2 tổ máy, tổ máy số 1 phát điện năm 2011 và tổ máy số 2 phát điện năm 2014 với công suất 1.200 MW. Được biết, 31/12/2018, tổng dư nợ vay là 7.533 tỷ đồng, chiếm 60,8% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên, tới 31/12/2023, tổng dư nợ vay chỉ còn 1.089,2 tỷ đồng, giảm 6.443,8 tỷ đồng so với cuối năm 2018 và chiếm 13,3% tổng nguồn vốn.
Tương tự như vậy, tại Nhiệt điện Hải Phòng (4 tổ máy), trong đó, tổ máy 1&2 phát điện năm 2011, tổ máy 3&4 phát điện năm 2014 với tổng công suất 1.200 MW. Ước tính tổ máy 1&2 bắt đầu giảm khấu hao từ cuối năm 2021, dự kiến từ năm 2024 Công ty sẽ hết nợ vay, điều này kỳ vọng sẽ giúp Công ty cải thiện biên lợi nhuận ròng. Trong đó, cuối năm 2018 tổng dư nợ vay là 7.252 tỷ đồng, chiếm 52,7% tổng nguồn vốn, nhưng tới cuối quý đầu năm 2023, tổng dư nợ vay còn lại 1.172,4 tỷ đồng, giảm 6.079,6 tỷ đồng so với cuối năm 2018 và chiếm 13,9% tổng nguồn vốn.
Ngược lại, tại Nhiệt điện Phả Lại, kể từ năm 2002 sau khi đưa vào vận hành tổ máy số 6 (dây chuyền II). Do nhà máy đi vào vận hành nhiều năm, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đã giảm xuống mức thấp, vì vậy Công ty không có khả năng cải thiện biên lợi nhuận ròng từ tiết giảm chi phí khấu hao và chi phí tài chính.
Như vậy, trong nhóm nhiệt điện than, Nhiệt điện Hải Phòng và Nhiệt điện Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp khi ưu tiên sản xuất nhiệt điện bù đắp thủy điện, đồng thời việc các nhà máy đang trong giai đoạn giảm mạnh chi phí lãi vay. Đây là cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực hơn.
Đối với nhiệt điện khí, PV Power là doanh nghiệp kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi nhu cầu điện được huy động từ các nhà máy nhiệt điện. Trong đó, tổ máy số 1 của Vũng Áng gặp sự cố kỹ thuật và phải tạm ngừng hoạt động từ tháng 9/2021 và trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Công ty dự kiến, tổ máy này sẽ chạy thử và nghiệm thu khoảng cuối tháng 8/2023, bắt đầu ghi nhận doanh thu và lợi nhuận bổ sung cho Công ty vào giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Trước đó, Chứng khoán SSI dự kiến, tổ máy số 1 của Vũng Áng hoạt động trở lại, đóng góp khoảng 30% lợi nhuận trước cho thuế cho PV Power.
Được biết, PV Power đang vận hành các nhà máy Nhiệt điện khí Cà Mau 1&2 (1.500 MW); Điện khí Nhơn Trạch 1&2 (công suất 1.200 MW); Nhà máy Thủy điện Hủa Na (công suất 180 MW); Nhà máy Thủy điện Đakđrinh (công suất 125 MW); Nhà máy Điện than Vũng Áng 1 (công suất 1.200 MW, mỗi tổ máy công suất 600 MW); và CTCP Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí.
Trong tương lai, PV Power đang có kế hoạch phát triển thêm Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 với công suất 1.500 MW, đây cũng là nhà máy điện khí.
Có thể thấy, khi nhu cầu nhiệt điện được huy động tăng cường để bổ sung vào nhóm thủy điện gặp khó khăn do hiện tượng EI Nino, đây là cơ sở cho nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhóm doanh nghiệp nhiệt điện có thể có bức tranh tích cực hơn trong thời gian tới.