Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng xuất khẩu tôm chiếm hơn 37% với 1,64 tỷ USD; cá tra chiếm 21% với trên 918 triệu USD; cá ngừ chiếm 10,7% với 471 triệu USD; mực, bạch tuộc chiếm 6,6% đạt 289 triệu USD…
Đa số các sản phẩm chính có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái như tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt là 6% và 5%; xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất với 75%; cá ngừ tăng 23%. Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm nhẹ 1% và các loại cá khác giảm gần 6%.
Các mặt hàng tươi, sống là điểm nhấn, góp phần tăng doanh số xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc. |
Những tín hiệu tích cực cho ngành tôm dường như đang tập trung nhiều hơn ở mặt hàng tôm hùm với doanh số tăng vọt từ 46,6 triệu USD nửa đầu năm 2023 lên 126,7 triệu USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 171%. Trong đó, 98% doanh số là từ sản phẩm tôm hùm đá sống (tôm hùm xanh) và thị trường trụ cột là Trung Quốc.
Ngoài ra, xuất khẩu cua ghẹ nửa đầu năm nay bứt phá mạnh nhất trong các mặt hàng chính, tăng 75% và đạt 125 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu cua tăng gần gấp đôi, đạt gần 93 triệu USD; xuất khẩu ghẹ tăng 33%, đạt hơn 31 triệu USD. Riêng sản phẩm cua sống xuất khẩu mang về doanh số 54 triệu USD, tăng gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ chính sản phẩm cua sống của Việt nam.
Theo VASEP, trong bức tranh chung xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nửa đầu năm, các mặt hàng tươi, sống là điểm nhấn, góp phần tăng doanh số xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Theo đó, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt gần 690 triệu USD, tăng 8,4%. Cụ thể, cá tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 35% với hơn 243 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 là tôm hùm với gần 122 triệu USD, tăng 174% và chiếm gần 18% giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Trong khi đó, nằm trong top 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc tăng gấp 12 lần đạt 49 triệu USD.
“Các sản phẩm xuất khẩu dạng đông lạnh sang Trung Quốc nửa đầu năm nay hầu như bị giảm so với cùng kỳ do giá giảm, trong khi các mặt hàng thủy sản sống có dư địa tốt hơn. Ngoài tôm hùm, cua sống, còn có nghêu sống (chủ yếu nghêu lụa, nghêu hoa), ốc hương sống tăng mạnh, tăng lần lượt 280% và 282% so với cùng kỳ năm ngoái”, VASEP chia sẻ.
Hiện nay, thị trường tôm đông lạnh của Trung Quốc đang bị tình trạng cung vượt cầu vì sản phẩm của Ecuador tràn ngập và thu hoạch tại các trại nuôi trong nước đạt mức cao. Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 436.000 tấn tôm, thì riêng tôm xuất xứ Ecuador đã chiếm 330.000 tấn, chiếm 75%.
Dự đoán nhu cầu cá hồi và tôm hùm của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. Đặc biệt, là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về tiêu thụ hải sản, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng thích các hải sản chất lượng cao và có giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, theo VASEP dù tình hình đã được cải thiện dần dần, lạm phát và tồn kho đều đã giảm, nhưng hệ lụy vẫn tác động đến nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường chính bị áp lực cạnh tranh về giá với các nước cung cấp khác, nên giá xuất khẩu trung bình các sản phẩm chính như tôm, cá tra vẫn ở mức thấp so với năm 2023 và cả những năm trước.
Do vậy, tổng xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm đang phục hồi, nhưng chỉ bứt phá mạnh vào tháng 1, các tháng tiếp theo xuất khẩu tăng ở mức khiêm tốn.
Dự báo nửa cuối năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể quay về quỹ đạo thông thường như trước giai đoạn Covid-19. Xuất khẩu sẽ tăng so với nửa đầu năm, trong đó quý III đơn hàng sẽ tăng cao để phục vụ cho lễ tết cuối năm tại các thị trường.