Chưa khai thác hết tiềm năng
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng Đông Nam Bộ ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin, sản xuất công nghiệp trong vùng liên tục tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao, góp phần đưa Việt Nam từng bước trở thành một trong những “công xưởng” của thế giới.
Mối quan hệ vùng và liên kết vùng trong xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu còn chưa được quan tâm thỏa đáng. |
Ngoài ra, vùng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, điển hình có sự góp mặt của các tập đoàn, công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới như: Intel, Sanofi, Samsung, Schneider, Datalogic, Jabil...
Về xuất nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong vùng cần giải quyết như: Tốc độ phát triển của vùng thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng; đóng góp của vùng trong GDP cả nước đang có xu hướng giảm, trong khi các tiềm năng dư địa, lợi thế còn đang rất nhiều, chưa khai thác hết.
Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Phân bố khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) chưa hợp lý. Đồng thời chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực.
Đặc biệt, mối quan hệ vùng và liên kết vùng trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu còn chưa được quan tâm thỏa đáng.
Đồng tình với ý kiến này, ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai thông tin, trong thời gian qua, tại một số KCN trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển liên kết ngành công nghiệp do một số doanh nghiệp tự kết nối với nhau hoặc thông qua chương trình xúc tiến thương mại ở một số ngành công nghiệp như: May mặc, da giày, điện tử, chế biến gỗ, chế biến nông sản thực phẩm…
Tuy nhiên, sự liên kết này chưa chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Hiện có một số đơn vị ở tỉnh muốn liên kết với doanh nghiệp nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do không tương xứng về quy mô, trình độ công nghệ.
Trong khi đó, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương đánh giá, có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm vùng Đông Nam Bộ chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.
“Liên quan đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận với chúng tôi là do nội lực yếu, chưa tập trung cho xây dựng thương hiệu, chưa định rõ hành lang pháp lý cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu tại thị trường nhất là thị trường nước ngoài”, bà Duyên chia sẻ.
Có thể thấy, việc phát triển tại các địa phương được các doanh nghiệp quan tâm nhưng sự liên kết trong vùng hoặc giữa vùng này với vùng khác vẫn chưa có sự chặt chẽ để hình thành trung tâm sản xuất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng Đông Nam Bộ.
Cần thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh thành, doanh nghiệp để tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, giá trị cao hơn . |
Giải bài toán liên kết vùng
Để góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ cũng như từng địa phương của vùng, đưa vùng Đông Nam Bộ phát triển ngày càng lớn mạnh, bà Phan Thị Thắng cho rằng, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong công tác xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu cần được triển khai đẩy mạnh trong thời gian tới và tạo dựng các cơ chế chính thức riêng trong liên kết vùng.
Tại Bình Phước, địa phương này đang kêu gọi thu hút đầu tư các hạng mục như: Công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm; Chế biến đồ gỗ, bao bì, chế biến vỏ, ruột xe, nệm cao su… tại KCN Becamex có diện tích 2.450 ha, KCN Minh Hưng - Sikico diện tích 655 ha; KCN Việt Kiều diện tích 104 ha…
Ông Hoàng Mạnh Thường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước chia sẻ: “UBND tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác giữa Bình Phước với các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã ký kết. Đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở bù đắp thiếu hụt, phát huy lợi thế, khai thác các tiềm năng của từng địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế…”
Với TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn lớn ảnh hưởng đến liên kết vùng, thúc đẩy xuất khẩu. Do đó, TP.HCM đã lên kế hoạch đẩy mạnh vấn đề này, trong đó sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha.
Ngoài ra để giảm bớt tình trạng quá tải với Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, TP.HCM đang tính toán sớm xây dựng thêm những trung tâm triển lãm tầm cỡ tại TP. Thủ Đức, quận 12...
Đồng tình với ý kiến, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nhận định, cơ sở hạ tầng, logistics còn hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lưu trữ, vận tải ngành thực phẩm. Tuy nhiên, Chính phủ chưa có đầu tư lớn, chính sách phát triển lĩnh vực này cho Đông Nam Bộ.
“Những kho lớn, kho lạnh rất cần thiết cho ngành thực phẩm hiện nay, nhưng do vốn đầu tư vào đây rất lớn nên nếu chỉ doanh nghiệp tham gia thì sẽ không đủ khả năng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngành công thương cần phải đồng hành, xem đây là vấn đề chiến lược trong phát triển vùng trong thời gian tới”, bà Chi chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các địa phương, yếu tố cốt lõi để phát triển được thương hiệu của các ngành xuất khẩu chủ lực của vùng cần có sự đầu tư, vào cuộc của Chính phủ. Qua đó, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh thành, doanh nghiệp tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, các cấp bộ ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp cần đẩy mạnh mạng lưới kênh phân phối chất lượng nhằm hạn chế sự xâm phạm nhãn hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng trong và ngoài nước.