| ||
Bà Brigitte Bruhin, Phó Giám đốc Quốc gia của Văn phòng Hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam |
Thưa bà, những nét chính của hỗ trợ ODA của Thụy Sỹ cho Việt Nam trong 20 năm qua là gì?
Hợp tác Phát triển của Thụy Sỹ tại Việt Nam bắt đầu năm 1992 và đã trở thành nền tảng trong quan hệ song phương giữa hai bên.
Quan hệ này đã rất vững chắc nhờ cách tiếp cận phát triển bền vững phản ánh các giá trị của Thụy Sỹ như tính chuyên nghiệp, sự liên tục và trung lập.
Việt Nam là một trong những nước ưu tiên của ODA Thụy Sỹ. Trong hai thập kỷ qua, Thụy Sỹ đã cung cấp gần 370 triệu đô la Mỹ ODA để hỗ trợ Việt Nam phát triển các lĩnh vực chủ chốt bao gồm quản trị địa phương, nông nghiệp và an ninh lương thực, xây dựng khung chính sách, thúc đẩy thương mại/đầu tư bền vững, quản lý tài chính công, ngân hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), chú trọng đặc biệt vào cải thiện các vấn đề lao động, năng lực cạnh tranh, và tiêu dùng và sản xuất thân thiện với môi trường.
Hai cơ quan của chính phủ Thụy Sỹ cung cấp ODA tại Việt Nam là Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy sỹ (SDC) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Hai cơ quan này được đại diện bởi Văn phòng Hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam (SDC/SECO) và phối hợp cung cấp các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật trong các lĩnh vực có thế mạnh của mình cho Việt Nam.
Tôi xin đề cập ba lĩnh vực nổi bật về cải cách thể chế và hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện thành công tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính công, SDC đi tiên phong trong việc hỗ trợ Việt Nam thành lập “cơ chế một cửa” – là khái niệm được biết đến khá rộng rãi tại Việt Nam trong những năm qua.
Thứ hai là trong lĩnh vực xây dựng năng lực thể chế và thúc đẩy thương mại, SECO đã đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thành lập Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade - trực thuộc Bộ Công thương) và cử chuyên gia Thụy Sỹ tầm cỡ quốc tế hỗ trợ quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như quá trình thực hiện cam kết.
Thứ ba là trong lĩnh vực sản xuất sạch, SECO hợp tác với Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) là đơn vị thực hiện dự án thành lập Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam, hỗ trợ chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân hiện thực hóa khái niệm sản xuất sạch tại Việt Nam. Ngày nay, theo Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam, sản xuất sạch rất quan trọng và cần được đẩy mạnh.
| ||
Bà Brigitte Bruhin phát biểu tại Lễ công bố Chương trình hợp tác phát triển của Thụy Sỹ với Việt Nam giai đoạn 2013 - 2016 (tháng 9/2013) |
Trọng tâm ODA của Thụy Sỹ tại Việt Nam trong thời gian tới là gì, thưa bà?
Việt Nam hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình và đang nỗ lực trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020.
Chương trình hợp tác Thụy Sỹ 2013-2016 có tính đến sự phát triển KT-XH nhanh chóng của Việt Nam trong 20 năm qua, bao gồm cả thành công lớn trong giảm nghèo cũng như các bài học và kinh nghiệm được rút ra từ việc thực hiện chương trình hợp tác trong thời kỳ trước.
Trong giai đoạn 2013-2016, Thụy Sỹ chuyển trọng tâm sang hợp tác phát triển kinh tế.
Thụy Sỹ dự kiến sẽ mở rộng mạnh mẽ chương trình hợp tác phát triển kinh tế (SECO) nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững và toàn diện. Thụy Sỹ cũng sẽ tăng 50% ngân sách tài trợ lên 135 triệu đô la Mỹ, trong đó dự kiến SECO cung cấp 110 triệu đô la Mỹ và DSC cung cấp 23 triệu đô la Mỹ cho giai đoạn này.
Dưới đây là 5 lĩnh vực chủ chốt của Hợp tác phát triển Thụy Sỹ được bao hàm trong Chiến lược quốc gia của SECO đối với Việt Nam 2013-2016 và Chiến lược Khu vực Mê Kông của SDC.
SECO sẽ tập trung vào cải thiện các điều kiện khuôn khổ kinh tế đối với quản lý kinh tế vĩ mô, hội nhập thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và sản xuất và tiêu dùng bền vững.
SDC sẽ đặt trọng tâm vào quản trị địa phương, sự tham gia của người dân cũng như nông nghiệp và an ninh lương thực.
Các chương trình của SECO đã trở nên ổn định và tập trung hơn. Hiện đã có khoảng 40 dự án đang triển khai và một số dự án khác đang được xem xét với sự bổ trợ của các dự án của SDC.
Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia được ưu tiên nhận ODA về hợp tác phát triển kinh tế của Thụy Sỹ. SME Việt Nam sẽ thấy một chương trình hỗ trợ đa dạng của SECO đối với việc sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Cho đến năm 2016, Thụy Sỹ sẽ giảm dần chương trình giảm nghèo cho Việt Nam.
Các cơ quan của Thụy Sỹ cũng phối hợp chặt chẽ với rất nhiều đối tác bao gồm các bộ, chính quyền địa phương, các tổ chức đa phương, khối doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nghiên cứu, để triển khai các chương trình hợp tác với Việt Nam.
| ||
Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những lĩnh vực được SECO chú trọng |
Vì sao SECO lại đặt một trong những trọng tâm hợp tác của mình với Việt Nam trong lĩnh vực cải cách đăng ký kinh doanh, thưa bà?
Trong nhiều năm qua, SECO hoạt động tại Việt Nam và hỗ trợ cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư, nhằm giảm thiểu chi phí và rủi ro trong kinh doanh, tạo minh bạch trong chính sách và tuân thủ các quy định luật pháp.
Hiện các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn gặp nhiều trở ngại như thủ tục hành chính phức tạp, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đăng ký kinh doanh là cơ sở dữ liệu có thể tiếp cận công khai duy nhất và cung cấp các thông tin xác thực về doanh nghiệp.
Các thông tin như vậy rất quan trọng đối với cả các cổ đông khối tư nhân và nhà nước, nhằm đảm bảo an ninh pháp lý, minh bạch và bí mật tài chính. Đây là yếu tố cơ bản đối với kinh doanh, đổi mới và đầu tư.
Dự án đăng ký kinh doanh mà SECO đồng tài trợ đã không chỉ nhằm đơn giản hóa một số thủ tục hành chính, mà còn tạo ra các tác động có tính hệ thống. Đây là lý do chính mà SECO đã quyết định hỗ trợ tài chính và kỹ thuật một cách đáng kể cho Việt Nam (thông qua UNIDO).
Mục đích của dự án này đã rất phù hợp với mục tiêu chiến lược trong hợp tác kinh tế và phát triển của chúng tôi, nhằm thúc đẩy và quốc tế hóa mục tiêu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện việc tiếp cận tài chính, và tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
SECO đã và đang hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thiết lập một hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia duy nhất, cho phép doanh nghiệp đăng ký và tiếp cận trực tuyến với các thông tin kinh doanh có giá trị pháp lý, cũng như kiểm chứng được tính hợp pháp của các công ty và đối tác hiện tại và tiềm năng.
Các thủ tục đăng ký được đơn giản hóa và việc thiết lập hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia duy nhất sẽ là sự thay đổi rất quan trọng so với mô hình đăng ký kinh doanh cũ. Hệ thống này sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro kinh doanh và tăng cường tính minh bạch một cách đáng kể.
Hệ thống này sẽ rất hữu ích cho doanh nghiệp, cho phép họ tìm thấy các thông tin đáng tin cậy về các đối tác kinh doanh hiện tại và tiềm năng. Dự kiến, hệ thống này sẽ được chính thức ra mắt vào tháng 11/2013.
Các mục tiêu của ODA Thụy Sỹ trong việc hỗ trợ Việt Nam đã được thực hiện và đạt các kết quả như thế nào, thưa bà?
Kể từ năm 1992, nhiều dự án hợp tác phát triển do Thụy Sỹ tài trợ đã được thực hiện thành công. Chúng tôi đã thường xuyên đánh giá các kết quả đã đạt được và tác động của chúng đối với phát triển KT-XH ở Việt Nam. Bên cạnh một số khó khăn, phần lớn các chương trình đã đạt được kết quả tốt và rất tốt, và chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu.
Tôi xin lấy một số dự án của SDC làm ví dụ.
Trong dự án giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi ở vùng núi phía Bắc Việt Nam (PALD), Thụy Sỹ đã hỗ trợ nông dân nghèo ở 121 xã tại 9 huyện vùng Tây Bắc nhằm trực tiếp tăng thu nhập cho 11.500 hộ dân, và gián tiếp góp phần cải thiện sinh kế cho 68.000 hộ dân thông qua phát triển chăn nuôi quy mô nhỏ, nâng cao năng lực và tăng cường kết nối thị trường.
Ngoài dự án trên, SDC cũng đã và đang thực hiện chương trình cải thiện dịch vụ công trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (PS-ARD). Trong giai đoạn 1 của chương trình này (2008-2011), 55% người được phỏng vấn tại các vùng có dự án tại tỉnh Cao Bằng và 80% người được phỏng vấn tại các vùng có dự án tại tỉnh Hòa Bình cho biết các dịch vụ công trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được cải thiện. Việc quy hoạch các xã có sự tham gia của người dân cũng được áp dụng tại hai tỉnh này.
Số người tham gia vào công tác quy hoạch đã tăng từ 10% lên 50%. Tổng cộng 3.400 dự án phát triển cấp xã đã được thực hiện, làm lợi cho 77.000 hộ dân.
Thêm vào đó, SECO cũng có nhiều dự án thành công tại Việt Nam liên quan đến chương trình hợp tác phát triển kinh tế lớn của chúng tôi.
Năm 2001, SECO và Bộ Công thương đã thành lập và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Vietrade – Cục Xúc tiến Thương mại quốc gia. SECO gần đây cũng đã khởi động giai đoạn mới của chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại cho Việt Nam, trị giá 3,32 triệu USD trong giai đoạn 2013 – 2017.
Chương trình này nhằm tăng cường dịch vụ xúc tiến thương mại tại địa phương cho các doanh nghiệp xuất khẩu và hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu quốc gia.
SECO cũng đang phối hợp với Viện Dược liệu, Bộ Y tế và tổ chức phi chính phủ của Thụy Sỹ là Helvetas thực hiện 1 dự án trị giá 1 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam được công nhận là nhà cung ứng quốc tế về những sản phẩm công nghệ sinh học có nguồn gốc từ thiên nhiên, được khai thác, chế biến và thượng mại tuân thủ các nguyên tắc thương mại sinh học và Công ước quốc tế về đa dạng sinh học.
Chúng tôi cũng đang thực hiện Chương trình Công trình xanh 2013-2017, do Tổ chức Tài chính quốc tế của Ngân hàng Thế giới thiết lập, nhằm giúp Bộ Xây dựng của Việt Nam phát triển các thủ tục và năng lực trong việc thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng, giảm thiểu khí thải nhà kính tại Việt Nam với chi phí thấp nhất.
Thông qua chương trình này và nhiều chương trình khác tại Việt Nam, Thụy Sỹ sẽ góp phần vào việc thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam, nhằm thay đối mô hình tăng trưởng của Việt Nam, và hướng lối sống của người dân theo hướng sản xuất và tiêu thụ bền vững hơn.
Bà có nhận xét gì về việc Việt Nam sử dụng ODA Thụy Sỹ?
ODA của Thụy Sỹ gắn liền với những ưu tiên phát triển của Chính phủ Việt Nam. Thụy Sỹ có cơ chế kiểm tra và giám sát rất hiệu quả đối với việc ODA của mình được sử dụng như thế nào tại nước ngoài.
Điều này là vì chúng tôi muốn ODA của chúng tôi được chính người dân thụ hưởng và góp phần cải thiện cuộc sống cho những người cần hỗ trợ nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm trước quốc hội Thụy Sỹ về tiền đóng thuế của người dân Thụy Sỹ. Nhìn chung, chúng tôi có thể nói rằng, ODA Thụy Sỹ đã được sử dụng hiệu quả tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cần phải cảnh giác với những thách mới do vị thế nước có thu nhập trung bình mang lại và cần phải tránh việc có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Giải pháp cho rủi ro này chính là Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách hơn nữa trong thời gian tới.
Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng tôi thấy ở Việt Nam chính là mức độ tham nhũng cao. Chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan chức năng cần có nhiều hành động chống tham nhũng cụ thể, kịp thời. Nếu không, các thành tựu phát triển KT-XH sẽ bị ảnh hưởng.
Thanh Tùng