Ông đã nhìn thấy nguồn lực tài chính nào để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020?
Ngoài đầu tư công, tôi chưa nhìn thấy nguồn lực nào để tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư công thì nhìn thấy khá rõ đó là hằng năm và cả giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước sẽ dành bao nhiêu, vay nợ bao nhiêu, phát hành trái phiếu chính phủ bao nhiêu để chi cho đầu tư đều rõ. Đầu tư vào những công trình, dự án nào đã có thứ tự ưu tiên và đã xác định được rõ nguồn vốn ở đâu, đầu tư bao nhiêu, khi nào đầu tư, khi nào hoàn thành...
TS. Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Tôi khá yên tâm với tái cơ cấu đầu tư công giai đoạn tới vì đã đạt được hiệu quả nhất định trong giai đoạn vừa qua, khi mà giảm được đáng kể tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, đặc biệt là giảm được tỷ trọng đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước xuống còn 18% thay vì 24,4% trong giai đoạn 2006-2010 và 28,5% trong giai đoạn 2001-2005.
Chỉ tính vốn nhà nước tại hơn 780 doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ hiện nay ước vào khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn sẽ có tiền để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông đã tính đến phương án này chưa?
Chưa tính tới thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn vốn, chỉ cần thoái được 50% số vốn nhà nước kể trên thì đã thu về không dưới 700.000 tỷ đồng. Nhưng đó chỉ là “đếm cua trong lỗ” vì thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, đã cổ phần hóa được 478 doanh nghiệp, đạt 93% kế hoạch, nhưng số tiền thu về không nhiều, do rất nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ là hình thức, Nhà nước vẫn nắm giữ 70-80% vốn trở lên.
Số tiền bán vốn, cổ phần hóa thuộc ngân sách nhà nước, trong khi bội chi rất cao, nợ công đã trạm trần, thu ngân sách nhà nước năm nào cũng “giật gấu vá vai” do có hàng trăm khoản chi bức thiết chưa có nguồn, thì không dễ gì Quốc hội đồng ý sử dụng số tiền này để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Tất nhiên, cũng có thể sử dụng một phần số tiền bán vốn, cổ phần hóa để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đúng tinh thần của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhưng Chính phủ phải tính toán xem cần bao nhiêu tiền để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Đối với ngân hàng thương mại, có ý kiến cho rằng, muốn tái cơ cấu hiệu quả, trước hết nên sử dụng ngân sách nhà nước xử lý số nợ xấu hiện nay?
Tôi dám chắc chắn rằng, Quốc hội không bao giờ đồng ý sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, vì đây là tiền thuế của dân, không thể dùng tiền thuế của dân để chi cho bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào bị thua lỗ hay vì bất cứ lý do nào khác. Hơn nữa, như tôi nói, cân đối ngân sách nhà nước năm nào cũng căng thẳng, thu không đủ chi, như năm nay bội chi tới 254.000 tỷ đồng, năm 2017 mức bội chi chắc không dưới con số này thì làm gì có tiền mua lại nợ xấu để tái cơ cấu các ngân hàng thương mại.
Còn nếu sử dụng ngân sách nhà nước hay tiền cổ phần hóa, thoái vốn để mua nợ xấu, sau khi cơ cấu lại, Nhà nước bán lại phần vốn đã mua, thu cả vốn lẫn lời như nhiều nước vẫn áp dụng, thì sao, thưa ông?
Thực hiện tái cơ cấu trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý 17 tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó “quốc hữu hóa” (mua với giá không đồng) 3 ngân hàng thương mại gồm gồm CBBank, OceanBank, GPBank. Sau khi mua lại 3 ngân hàng này, Ngân hàng Nhà nước tiến hành tái cơ cấu nhưng đã có nhà đầu tư mua cổ phiếu của 3 nhà băng này chưa?
Theo tôi được biết, số nợ mà VAMC đang ôm vào khoảng 200.000 tỷ đồng, nếu Nhà nước bỏ tiền ra mua khoản nợ này mà cũng không bán được như VAMC thì sao, chẳng lẽ lại đi vay nợ về mua nợ rồi để đấy. Vì thế, giải pháp này, tôi dám chắc rằng, khi đưa ra Quốc hội sẽ bị phản đối.
Còn cá nhân ông có ủng hộ phương án Nhà nước nước mua nợ, tiến hành tái cơ cấu và bán lại nợ không?
Ở các nước có thị trường mua bán nợ phát triển, họ áp dụng cách này được. Còn Việt Nam thì không nên, dứt khoát tôi không ủng hộ. Dù là thuế của dân hay tiền bán vốn, cổ phần hóa thì cũng là tiền ngân sách nhà nước, trong khi ngân sách nhà nước năm nào cũng “bóc ngắn cắn dài”, nên không thể sử dụng tiền vào việc này được.
Thứ hai, Nhà nước mua nợ cũng không thể bán ngay được vì nguồn vốn trong xã hội không có nhiều để đầu tư vào lĩnh vực này, mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài cũng không khả thi vì thị trường mua bán nợ Việt Nam gần như chưa hình thành, họ mua rồi không bán được nên họ cũng không mua, cộng với cơ chế, chính sách trong việc mua bán nợ hiện nay chưa đồng bộ nên rất ít nhà đầu tư nào dám mạo hiểm.
Ngoài đầu tư công, tôi chưa nhìn thấy bất cứ nguồn tài chính nào để tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020. Làm gì cũng phải có tiền trong túi, ít ra cũng phải tính được nguồn tiền sẽ đến từ đâu. Hy vọng, tại Kỳ họp Quốc hội thứ hai tới đây khi bàn về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020, Chính phủ sẽ có câu trả lời.