Ngân hàng - Bảo hiểm
Tiền điện tử lại phô diễn sức mạnh
Lam Phong - 08/04/2019 21:21
Thị trường tiền điện tử đã gia tăng giá trị gần 50 tỷ USD kể từ đầu năm 2019 tới nay, trở thành một trong những loại tài sản có màn biểu diễn tích cực nhất. Theo đó, các tài sản điện tử đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và chứng tỏ được sức mạnh trong tương lai so với các loại tài sản đầu tư khác.

Ðà tăng tích cực

Cryptocurrency Index 30 (CCI30), chỉ số theo dõi 30 loại tiền điện tử lớn nhất tính theo giá trị thị trường, đã tăng hơn 40% kể từ đầu tháng 1/2019. Các đồng tiền thuộc chỉ số này chiếm tới 89,9% tổng giá trị thị trường tiền mã hóa.

Mặc dù bắt đầu năm theo hướng đi xuống, nhưng CCI30 đã nhanh chóng đảo chiều, xóa bỏ hết mất mát kể từ giữa tháng 2 và giữ đà leo dốc cho tới nay.

Trong đó, đáng chú ý nhất là đà tăng gần 20% của Bitcoin, đồng tiền điện tử thông dụng nhất, hiện chiếm tỷ trọng hơn 50% giá trị toàn thị trường tiền mã hóa.

Trong khi đó, đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán toàn cầu mờ nhạt so với thị trường tiền mã hóa. Theo The Financial Times, chỉ số Dow Jones Industrial Average và S&P 500 lần lượt tăng 12,3% và 13,4% kể từ đầu năm tới nay, trong khi chỉ số Nikkei 225 là 11% và FTSE 100 đạt 8%...

Trung bình, 5 chỉ số chứng khoán chính trên thị trường toàn cầu tăng trưởng 12% kể từ 1/1/2019 tới nay, tương đương ¼ đà tăng của CCI30 trong cùng giai đoạn. 

Thu hút sự chú ý

Quỹ lương hưu là đối tượng đầu tư chuyên nghiệp có sự thay đổi chậm rãi bậc nhất. Trong giai đoạn những năm 1950, 1960, quỹ lương hưu gần như tránh xa cổ phiếu, chỉ dồn lực đầu tư trái phiếu. Cho tới nay, các quỹ này đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình.

Kể từ năm 2008, tỷ trọng các tài sản thay thế khác (ngoại trừ trái phiếu) tại các quỹ lương hưu, quỹ đầu tư của Mỹ đã tăng từ mức 7% lên 20%, đạt 7,6 nghìn tỷ USD vào năm 2017.

Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà việc các quỹ đầu tư chuyên nghiệp bắt đầu để ý tới thị trường tiền điện tử đã tạo tâm lý vững tin hơn cho các nhà đầu tư trên thị trường.

Trong tuần trước, BlackRock, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới hiện đang quản lý khối tài sản trị giá 6 nghìn tỷ USD cho biết, quỹ đang trải qua quá trình tái cơ cấu quan trọng, với việc tập trung đầu tư vào các loại tài sản thay thế.

Dù BlackRock từ chối trả lời cụ thể kế hoạch thâm nhập thị trường tiền điện tử, nhưng hãng này đã tuyển dụng Robbie Mitchnick, nhà tạo lập thị trường với đồng Ripple (tên gọi chung của một loại tiền tệ kỹ thuật số (XRP) và một hệ thống thanh toán mở.

Mục đích chính của mạng lưới Ripple là giúp cho mọi người có thể sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng, Paypal, ngân hàng hay các tổ chức tài chính khác với một mức phí rất thấp cùng quá trình xử lý nhanh chóng. Ðáng chú ý, dự án Ripple còn lâu đời hơn cả Bitcoin).

Mark Yusko, CEO Morgan Creek Capital Management, hiện đang quản lý khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD nhận định, cổ phiếu và trái phiếu có sự gắn kết với các yếu tố như tăng trưởng GDP, lợi nhuận và lãi suất.

Trong khi đó, mạng lưới tiền điện tử khẳng định giá trị nhờ tăng trưởng người dùng, sự phổ biến và công nghệ. Những thứ này không liên quan tới các phương pháp đo lường truyền thống như cổ phiếu hay trái phiếu.

Theo đó, nếu muốn tìm một loại tài sản đầu tư theo đúng nghĩa thay thế tài sản đầu tư truyền thống, tiền điện tử chính là câu trả lời phù hợp.

Trong khi đó, Teddy Fusara, COO Bitwise, quỹ đầu tư theo chỉ số tiền điện tử và nhà quản lý tài sản điện tử đầu tiên trên toàn cầu cho biết, các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp sẽ không nhanh chóng “đổ bộ” vào thị trường, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự hiện diện sẽ sớm đậm nét hơn, nhất là khi các quỹ đầu tư như BlackRock, VanEck và Gemini… đã bắt đầu chuyển mình vào thị trường mới.

Tin liên quan
Tin khác