Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ ba. (Ảnh: TTXVN) |
Cụ thể, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần, đến nay đã có 6 dự án thành phần đang thực hiện, 1 dự án thành phần đang chuẩn bị thực hiện. Dự án đang chuẩn bị thực hiện này là đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP.
Các dự án thành phần xây dựng đường song hành đang thi công, trong đó: đoạn qua TP. Hà Nội đạt 20,12% giá trị hợp đồng; đoạn qua tỉnh Hưng Yên đạt 7,13% giá trị hợp đồng; đoạn qua tỉnh Bắc Ninh đạt 5% giá trị hợp đồng. Đối với 3 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cơ bản đạt tiến độ đề ra, đã thu hồi 95,2% diện tích đất trên toàn tuyến.
Dự án thành phần 3 (Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP) đang triển khai Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và Hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư.
Về khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư kéo dài do nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư kéo dài nên hết thời gian được áp dụng chính sách thí điểm về khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng; khó lựa chọn được nhà đầu tư có đủ điều kiện năng lực, tài chính, kinh nghiệm do dự án có tổng mức đầu tư lớn, quy mô phức tạp.
Với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, tiến độ tổng thể dự án đạt khoảng 78,52% giá trị hợp đồng, trong đó đã hoàn thành thi công, lắp đặt và đang vận hành thử (ngày 11/3/2024).
Đối với đoạn đi ngầm, nhà thầu đang tập trung thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý II/2024.
Bộ trưởng cho biết, dự án đang gặp khó khăn do Hiệp định vay vốn của ADB chưa được gia hạn, dẫn tớichưa thanh toán cho nhà thầu thi công. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục nghiệm thu đưa vào khai thác (bao gồm hệ thống PCCC, chứng nhận an toàn hệ thống,…) phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ vận hành dự án.
Bộ trưởng đề nghị Bộ Tài chính và Nhà tài trợ ADB sớm hoàn thiện thủ tục để ký kết, gia hạn Hiệp định.
Ngoài 2 dự án đang triển khai thực hiện nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cung cấp thông tin về 3 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Thứ nhất, với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình theo phương thức đối tác công tư, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và ngày 12/4/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Nhà đầu tư hoàn thành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và có Tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định Báo có nghiên cứu khả thi.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng liên ngành để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để sớm triển khai Dự án trong thời gian tới.
Thứ hai là Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, được HĐND tỉnh Ninh Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 3/4/2024.
Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Bình đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án song song với việc cắm mốc ngoài thực địa để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Thứ ba là Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng.
Hiện nay, một phần tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tỉnh Thái Bình đang được TP. Hải Phòng đầu tư xây dựng. Trong đó, 15,5 km trùng với tuyến đường bộ ven trên địa bàn Hải Phòng đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô đường cao tốc; 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang được đầu tư theo quy mô 2 làn xe; còn 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cầu Văn Úc 2 và cầu Thái Bình 2 chưa được đầu tư mở rộng để hoàn thiện theo quy mô đường cao tốc. Khoảng 6,7 km còn lại chưa được đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND thành phố Hải Phòng là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với đoạn đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, việc giao thành phố Hải Phòng là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án vẫn chưa có cơ sở thưc hiện và cần được Quốc hội cho phép phân cấp thí điểm thực hiện.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công.
Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm khởi công các dự án.
Đồng thời, các địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.