Đầu tư
Tiền Giang - cầu nối chiến lược giữa Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM
Huy Tự - 16/12/2024 16:17
Ngày 29-11 vừa qua, tại Cần Thơ, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2024 và triển khai kế hoạch 2024 - 2025. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cùng tham dự và chia sẻ đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (áo xanh) tham quan gian hàng Tiền Giang tại Hội nghị Hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL

Nhiều sự kiện nổi bật liên kết Tiền Giang - ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh cần phát huy

Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có 8 nội dung hợp tác gồm: Kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; phát triển lĩnh vực y tế, đào tạo nguồn nhân lực; lĩnh vực lao động, việc làm; tình hình hợp tác song phương giữa TP. Hồ Chí Minh với từng tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Trong giai đoạn 2023 - 2024, hội nghị kết nối cung - cầu tập trung giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, đã thu hút 322 đơn vị tham gia với 657 gian hàng, trong đó có 13/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham dự với 184 doanh nghiệp đăng ký tham gia và 328 gian hàng với các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Nổi bật, Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” là một trong 19 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên tại TP. Hồ Chí Minh thu hút đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm du xuân vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Để chuẩn bị cho công tác tổ chức các hoạt động trên, quận 8 (TP. Hồ Chí Minh) đã tổ chức xúc tiến, kết nối cung cầu tại nhiều tỉnh, thành phố, tạo địa điểm cho thương nhân, nhà vườn đến trưng bày, kinh doanh sản phẩm hoa kiểng, trái cây phục vụ du khách. Năm 2023, có 788 gian hàng, tiêu thụ 138 tấn hàng hóa, trái cây và 120.000 chậu hoa; năm 2024, có 745 gian hàng, tiêu thụ 95 tấn hàng hóa, trái cây và 90.000 chậu hoa các loại…

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2024, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố ĐBSCL đã triển khai nhiều chương trình hợp tác cấp vùng, giúp phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Thông qua hội nghị lần này cho thấy hiệu quả thỏa thuận hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở bước khởi động, nghiên cứu hoặc đề xuất, hội nghị mong muốn được lắng nghe các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo các địa phương, đại diện các doanh nghiệp, các đại biểu, làm sao chỉ ra những trọng tâm, những cách thức hiệu quả để việc hợp tác thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã khái quát những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tập trung thảo luận các nội dung triển khai hợp tác giai đoạn 2024 - 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, năm 2023 và 2024, quá trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang đã hợp tác thực hiện được 3 nội dung: Phà Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) - Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang); hợp tác đầu tư phát triển du lịch Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) và chợ nổi Tân Phong (huyện Cai Lậy); hợp tác hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và khoa học - công nghệ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh, thời gian tới tiếp tục phối hợp để triển khai Dự án Trục giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang đồng bộ và hiệu quả; hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa các Trường Đại học TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tiền Giang; các Bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mở thêm các chuyên khoa mới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đề nghị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, quan tâm đầu tư tại các tỉnh, thành phố ĐBSCL để tạo cơ hội cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh những sản phẩm lợi thế sẵn có của vùng ĐBSCL.

Tiền Giang trong xu thế gắn kết bền chặt với vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh

Trong năm 2024 - 2025, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ tập trung thực hiện hợp tác trên 08 lĩnh vực đã cam kết:

Về phát triển hạ tầng giao thông, các địa phương sẽ phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận. Đồng thời, phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển TP. Hồ Chí Minh – ĐBSCL, kết nối đường thủy TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL.

Về liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 2080/KH-UBND ngày 23/6/2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh về triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn năm 2021 - 2025.

Về lĩnh vực phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, các địa phương sẽ tổ chức các hội thảo về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tính đến liên kết bền vững; xây dựng đề án khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Về giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động, tiếp tục xây dựng Đề án hợp tác chuyển giao kinh nghiệm khám, chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, hội chẩn từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở; Đề án kết nối các trường đại học, viện, chia sẻ thông tin, phát triển thị trường lao động.

Vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh kể cả vùng Đông Nam bộ là hai thực thể có vị thế không thể tách rời, liên kết để cùng đi được xa hơn là mục tiêu phát triển của vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh và cả nước, nhất là trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay. Nâng tầm tư duy liên kết vùng cùng tạo ra thương hiệu chung của vùng, tính liên kết hợp tác, vừa tạo ra giá trị chung, vừa mở rộng không gian vượt ra khỏi địa giới vùng đã và đang là nhiệm vụ cấp bách thường xuyên cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Thực tế thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tham gia hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành thuộc 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Duyên hải phía Đông hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền, cách trung tâm lớn nhất là TP.Hồ Chí Minh khoảng 70 km và Cần Thơ khoảng 100 km, đây là điều kiện thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, có thể ví Tiền Giang là điểm giữa đòn gánh, trục liên kết giữa ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.

Theo định hướng quy hoạch vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang với vai trò là cửa ngõ của vùng TP.Hồ Chí Minh với vùng ĐBSCL, từ các trục giao thông - kinh tế quan trọng đi qua địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản; nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cảng; đồng thời, tăng cường kêu gọi đầu các chức năng về thương mại - dịch vụ, du lịch cảnh quan sinh thái sông nước. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang có hệ sinh thái nông nghiệp rất đa dạng và được xem như vựa trái cây lớn nhất cả nước với tổng diện tích lên đến hơn 84 ngàn ha và sản lượng đạt trên 1,76 triệu tấn/năm, diện tích sản xuất nông nghiệp đạt 190 ngàn ha, trong đó bao gồm 136 ngàn ha diện tích trồng lúa và hơn 54 ngàn ha diện tích rau màu thực phẩm; Tỉnh Tiền Giang có bờ biển dài 32 km với hàng ngàn ha bãi bồi ven biển, diện tích mặt nước thích hợp trong nuôi trồng các loài thủy, hải sản trên 15.044 ha, hằng năm sản lượng thủy, hải sản của cả tỉnh đạt trên 310 ngàn tấn. Ngoài ra, đường bờ biển dài còn thuận lợi cho việc phát triển đa dạng kinh tế biển; cùng với các cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp đã được đầu tư như: Cảng cá Mỹ Tho, cảng cá Vàm Láng, chợ trái cây Hòa Khánh, chợ trái cây Vĩnh Kim, khu xay xát lúa gạo ở Cái Bè… Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, tỉnh Tiền Giang đảm bảo cho sản xuất công nghiệp chế biến quy mô lớn.

Đặc biệt, về giao thông vận tải, tỉnh Tiền Giang ưu tiên đầu tư các dự án kết nối liên vùng, đặc biệt là các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, tuyến kết nối giao thông đối ngoại với vùng, các tỉnh có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, TP. Cần Thơ, tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long...; đồng thời quy hoạch đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, phát triển các ngành, sản phẩm, lĩnh vực quan trọng của địa phương như phát triển công nghiệp, đô thị, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, du lịch, vận tải logistics, khu chức năng... Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng chú trọng kết cấu hạ tầng kết nối khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với những khu vực có vai trò động lực của tỉnh. Tỉnh Tiền Giang cũng ưu tiên đầu tư các dự án cấp điện phục vụ sản xuất, trọng tâm là các khu, cụm công nghiệp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân và doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, tỉnh Tiền Giang sẽ ưu tiên đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng…

Về hoạt động hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương sẽ tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm, giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai; hội thảo hợp tác quốc tế về giải pháp canh tác mới, giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu và các giải pháp chống ngập, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, đề xuất các dự án bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng như Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.

Chia sẻ tại Hội nghị trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng đồng hành cùng với TP.HCM và ĐBSCL trong liên kết phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Cụ thể là sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có sự ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, đặc biệt là tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, xúc tiến thu hút đầu tư và tháo gỡ điểm nghẽn của vùng theo định hướng Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tin liên quan
Tin khác