Còn nhiều trở ngại
Ngày 22/8, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo thông tin về việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 và Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TP.HCM.
Theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, từ khi triển khai chương trình OCOP đến nay, tỉnh đã có 174 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 95 sản phẩm 4 sao và 79 sản phẩm 3 sao.
Ngoài ra, tỉnh có 34 sản phẩm vừa mới đạt chứng nhận OCOP nhưng chưa công bố thông tin và có 5 sản phẩm đang được đề nghị nâng cấp thành 5 sao để xuất khẩu trong thời gian tới.
Sở Công thương tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo nhằm thông tin về việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 và Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TP.HCM. |
Tuy nhiên, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang chia sẻ: Chương trình OCOP vẫn còn những hạn chế nhất định khi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh còn thấp; thói quen phát triển thụ động, năng lực phát triển còn yếu… dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao.
Ngoài ra, từ khâu đóng gói, nhãn mác đến hệ thống vận chuyển sản phẩm còn chưa được như mong đợi đang là rào cản trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Tiền Giang. Do đó, việc triển khai chương trình tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP còn chưa được như mong đợi.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, các siêu thị đang gặp hạn chế về mặt bằng xây dựng, mở rộng trên địa bàn nên không gian trưng bày sản phẩm OCOP còn mang tính tương đối và không được phân chia theo từng loại hàng hóa.
Cũng theo ông Phương, thời gian trước, một số sản phẩm tại tỉnh Tiền Giang đã kết nối và đang được phân phối tại các hệ thống siêu thị. Nhưng sau khi đạt chứng nhận OCOP, hàng hóa sẽ được trưng bày tại gian hàng mới, vì vậy, người tiêu dùng không tìm ra được sản phẩm ở vị trí cũ nên chuyển sang sử dụng mặt hàng tương tự, một vài doanh nghiệp cũng vì vậy mà giảm doanh thu sau khi đạt chứng nhận OCOP.
“Theo các siêu thị, việc này rất khó xử lý bởi không thể đưa sản phẩm OCOP quay về vị trí ban đầu nên các nhà sản xuất mong muốn không tham gia chương trình OCOP để có thể gia tăng doanh thu trở lại. Đây cũng là vấn đề nan giải mà TP.HCM đang tìm hướng giải quyết”, ông Phương chia sẻ.
Đẩy mạnh hoạt động kết nối để tăng khả năng cạnh tranh
Theo ông Lưu Văn Phi, Tiền Giang là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất trái cây lớn của vùng ĐBSCL và cả nước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ lại đang gặp nhiều vướng mắc, câu chuyện được mùa mất giá, giải cứu nông sản vẫn thường xuyên xảy ra.
Hoạt động xúc tiến thương mại được tỉnh Tiền Giang kỳ vọng sẽ nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. |
Do đó, với mong muốn tiếp cận nhanh hơn với các kênh phân phối hiện đại và người tiêu dùng tại TP.HCM, tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại năm 2023 và Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TP.HCM từ ngày 29/8 đến ngày 2/9.
Cụ thể, Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 dự kiến quy tụ 300 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham dự nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TP.HCM được thực hiện nhằm hướng đến hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ hàng hóa ổn định, bền vững với đa dạng các chủng loại, chất lượng cao, giá thành hợp lý và có tính cạnh tranh…
Ngoài ra, đây cũng là dịp để tỉnh Tiền Giang tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và nông, lâm, thủy sản của tỉnh có cơ hội tiếp cận hệ thống phân phối lớn ở các tỉnh, thành phố lớn như: TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai...
Ngoài ra, theo Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nhằm hướng đến tháo gỡ khó khăn và đưa ra các giải pháp về phân phối sản phẩm OCOP, mới đây Sở đã kết hợp với các tỉnh thành và doanh nghiệp để xây dựng Chương trình đưa “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” lên Tiki.
Đây là cơ hội tốt để tạo ra môi trường, cơ chế, hệ thống công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đến được với người tiêu dùng cả nước thông qua môi trường TMĐT.