Toàn cảnh TP. Mỹ Tho, Tiền Giang. |
Nhiều dự án lớn hội tụ về Tiền Giang
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, nhiệm kỳ 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút được 122 dự án, với tổng vốn đầu tư 34.918 tỷ đồng (trong đó có 44 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, với tổng vốn đầu tư 18.853 tỷ đồng; 78 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 18.065 tỷ đồng), tăng 23 dự án, tăng 70% về vốn đầu tư so với giai đoạn 2011-2015. Riêng thu hút đầu tư nước ngoài gấp 2,5 lần so với giai đoạn trước, với 131 dự án FDI tính đến nay, trở thành tỉnh thu hút vốn FDI cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những tháng đầu năm 2020, Tiền Giang đã phải chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, nhưng vẫn đón nhiều nhà đầu tư đến đầu tư và triển khai thực hiện dự án. Kết quả là, 9 tháng đầu năm, tỉnh thu hút mới 28 dự án, với tổng vốn đăng ký 9.897 tỷ đồng, tăng 11 dự án; 7 dự án đăng ký tăng vốn 834 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 4 dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 68,6%. Tổng vốn đầu tư thu hút đến tháng 9 đạt 10.731 tỷ đồng...
Tiền Giang đã thu hút được nhiều dự án lớn, dự án chất lượng từ các nhà đầu tư có uy tín trong và ngoài nước, tiến độ đã được đẩy nhanh, nhiều dự án đã đi vào hoạt động, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Có thể kể đến dự án của Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam có vốn đầu tư 4.909 tỷ đồng; dự án của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật kim loại YongJin Việt Nam vốn đầu tư 3.085 tỷ đồng; Dự án Bến cảng - Tổng kho xăng dầu - Khí hóa lỏng và các sản phẩm sau dầu mỏ DKC Tiền Giang vốn đầu tư 3.646 tỷ đồng; các dự án phát triển khu dân cư đô thị, thương mại dịch vụ, bệnh viện....
Tạo lợi thế cạnh tranh với 3 nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được kết quả thu hút đầu tư như trên, Tiền Giang đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp vừa mang tính bức thiết, vừa tạo nền tảng cho phát triển bền vững, trong đó tập trung vào 3 trọng tâm là: cơ sở hạ tầng; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nguồn nhân lực. Cụ thể,
Một là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, điện nước… để tạo sự hấp dẫn trong công tác thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiền Giang tập trung đầu tư đồng bộ cầu, đường kết nối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Trong đó, Tiền Giang được Chính phủ giao làm cơ quan nhà nước thẩm quyền đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và đang thực hiện theo đúng tiến độ năm 2020 thông tuyến và năm 2021 hoàn thành, đưa vào hoạt động. Đặc biệt, trong năm 2020, tỉnh đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động 5 cây cầu lớn (Ngũ Hiệp, Bình Xuân, Long Hưng, Trà Lọt, Nguyễn Văn Tiếp); đầu tư, phát triển hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho vùng ven biển, đặc biệt là dẫn nước qua huyện Tân Phú Đông.
Về hạ tầng khu, cụm công nghiệp, trong giai đoạn 2015 - 2020, ngoài việc mời gọi, lấp đầy các khu công nghiệp Tân Hương, Mỹ Tho và các cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, An Thạnh, Trung An, Song Thuận, tỉnh đã mời gọi và tạo quỹ đất công nghiệp đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư thứ cấp tại Khu công nghiệp Long Giang, Cụm công nghiệp Gia Thuận 1... và đang chuẩn bị đầu tư phát triển hạ tầng thêm tại các khu, cụm công nghiệp Soài Rạp, Bình Đông, Gia Thuận 2, Thạnh Tân…, để sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI.
Hai là tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giáo dục, kiểm tra nâng cao đạo đức của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là bộ phận tiếp xúc nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Tổ Thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách, Tổ Tiếp xúc đầu tư cấp tỉnh, cấp huyện, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp… đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy tiến trình công khai, minh bạch, thông suốt từ giai đoạn xúc tiến, mời gọi đầu tư, hỗ trợ cung cấp thông tin, lập hồ sơ dự án, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đến khâu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký đầu tư, thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường…, rút ngắn thời gian giải quyết…
UBND tỉnh Tiền Giang thường xuyên tổ chức tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh tại địa phương. Đặc biệt, năm 2018, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang, qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn.
Xây dựng, cập nhật thường xuyên Danh mục Dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh với đầy đủ thông tin liên quan: mục tiêu dự án, hiện trạng đất đai, giá đất tạm tính, cơ quan quản lý… và tổ chức công bố công khai qua các kênh thông tin đại chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư ngay từ khâu tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu dự án… để có thể triển khai thực hiện ngay dự án.
Ba là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh như: Trường đại học Tiền Giang, Trường cao đẳng Tiền Giang, các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, tập trung chăm lo cho sức khỏe, đời sống của công nhân, người lao động: xây dựng khu thiết chế công đoàn, các khu nhà ở xã hội.
Mục tiêu thu hút 79.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư đến năm 2025
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Tiền Giang đề ra mục tiêu thu hút 180 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 79.000 tỷ đồng, tăng 58 dự án, vốn đầu tư dự kiến gấp 2,14 lần so với giai đoạn 2015-2020; trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm sau:
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản, nhất là trái cây, để góp phần ổn định đầu ra và nâng cao giá trị của hàng hóa nông sản, trái cây - đây là loại cây chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Tập trung thu hút, khai thác các khu đất đã giải phóng mặt bằng: khu 65 ha tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành; khu 200 ha tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước; khu 200 ha quy hoạch phát triển chăn nuôi tại xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước; khu 352 ha quy hoạch nuôi thủy sản tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông…
Trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch và có định hướng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để phát triển 2 vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và Gò Công, với các dự án ưu tiên đầu tư: Khu công nghiệp Soài Rạp, Khu công nghiệp Bình Đông, Cụm công nghiệp Mỹ Lợi, Cụm công nghiệp Gia Thuận 2, Cụm công nghiệp Thạnh Tân...
Trong lĩnh vực phát triển đô thị, tập trung thu hút đầu tư, phát triển các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới tại thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công và huyện Châu Thành, Cái Bè…
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, tập trung huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư phát triển chợ theo hướng xã hội hóa. Tại các đô thị, sẽ quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị. Tập trung phát triển khu dịch vụ giáo dục và đào tạo gắn kết với Trường đại học Tiền Giang, Khu dịch vụ y tế gắn kết với Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Chuẩn bị các điều kiện để thu hút đầu tư phát triển du lịch gắn với 3 vùng sinh thái của tỉnh…
Đồng thời, để hoàn thành tốt các mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư trong giai đoạn 2020-2025, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, Tiền Giang tập trung vào 5 giải pháp trọng tâm sau:
Một là, hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, thống nhất, đồng bộ giữa các loại quy hoạch, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thuê tư vấn nước ngoài có uy tín để xây dựng quy hoạch tỉnh. Kịp thời công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, dự án mời gọi đầu tư, đất đai, chính sách ưu đãi….
Hai là, ưu tiên nguồn vốn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh, tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước…, tạo nền tảng để thu hút, mời gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư. Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết hợp tạo quỹ đất để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án đường tỉnh 864 nối dài (từ Quốc lộ 30 đến biển), đường vào trung tâm Đồng Tháp Mười, đường giao thông phát triển công nghiệp phía Đông, hệ thống giao thông nối kết vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến nông sản…
Ba là, tiếp tục cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa tối đa các thủ tục liên quan đến công tác đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Thực hiện theo quy chế liên thông, qua mạng, rút ngắn thời gian giải quyết. Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp mới, mở rộng quy mô doanh nghiệp đang hoạt động.
Xây dựng, cập nhật thường xuyên Danh mục dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh với đầy đủ thông tin liên quan và tổ chức công bố công khai thông qua các kênh thông tin đại chúng để nhà đầu tư thuận lợi từ khâu tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu dự án. Khảo sát, lấy ý kiến của các doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng nghiên cứu, tháo gỡ kịp thời các khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá đầu tư để phối hợp giải quyết các khó khăn cho từng dự án đầu tư.
Bốn là, tập trung thực hiện tốt và đạt tiến độ cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án mời gọi đầu tư mà thời gian qua tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm quý, để sớm triển khai các dự án đầu tư, đây là khâu quan trọng và mất nhiều thời gian.
Năm là, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động phục vụ các doanh nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động của tỉnh.