Tiền Giang cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động |
Điểm nối giao thương chiến lược
Tiền Giang là mắt xích quan trọng, kết nối ĐBSCL với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Vị trí địa lý thuận lợi, trải dài trên bờ Bắc sông Tiền với chiều dài trên 120 km, cách TP.HCM khoảng 70 km, cách Cần Thơ khoảng 100 km, là khoảng cách thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Nằm trên các trục giao thông quan trọng, đặc biệt là đường cao tốc từ TP.HCM đến Trung Lương - Mỹ Thuận, trong tương lai là tuyến đường sắt TP.HCM - Trung Lương và hệ thống sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo, tạo cho Tiền Giang vị thế là cửa ngõ của các tỉnh miền Tây về TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là những lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương quy hoạch 11 khu công nghiệp (KCN) của Tiền Giang; trong đó có 3 khu công nghiệp gồm KCN Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho); KCN Tân Hương (huyện Châu Thành); KCN Long Giang (huyện Tân Phước) đã đi vào hoạt động. Các KCN nằm ở vị trí thuận lợi trong vùng nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội, nên được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tiền Giang đã và đang từng bước phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để đưa kinh tế - xã hội của địa phương đạt được nhiều chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu như xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách đều tăng lên qua từng năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Tiền Giang đã hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của Tiền Giang trong tương lai.
Mục tiêu đến năm 2030, Tiền Giang phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, tăng trưởng GRDP đạt 7 - 8%/năm, có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị, là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Tạo thêm nhiều nguồn lực mới
Trong tổng thể chung của vùng và cả nước, quy hoạch tỉnh Tiền Giang được xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Quy hoạch đã đưa ra quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới. Đây là cơ sở quan trọng để thu hút hiệu quả nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Tiền Giang.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Tiền Giang hội tụ đủ 3 yếu tố là vựa lúa, vựa trái cây và vựa tôm cá của cả nước, đa dạng của các vùng sinh thái khác nhau với ưu thế về hệ thống sông rạch, cù lao trên sông biển. Với bờ biển dài 32 km, các di tích văn hóa lịch sử, các làng nghề truyền thống, khu sinh thái Đồng Tháp Mười, có thể thấy, Tiền Giang sở hữu nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa kinh tế. Tiền Giang còn là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM và cả nước, với hệ thống giao thông thủy, bộ khá thuận lợi “nhất cận thị, nhị cận giang”, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về kinh tế biển, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại.
Tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào, dân số năm 2023 gần 1,8 triệu người, đứng thứ 2 ở vùng ĐBSCL. Nhờ tận dụng tốt những tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực: sản xuất, kinh doanh phục hồi (năm 2023, GRDP của tỉnh tăng 5,72%); khu vực nông nghiệp tăng khá và cao hơn cùng kỳ; 100% xã được công nhận nông thôn mới; kim ngạch xuất khẩu tăng 32%, đứng 2/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế - giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh, đối ngoại được tăng cường.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh gồm: Hai tâm (vùng công nghiệp phía Đông và vùng công nghiệp phía Tây ở huyện Tân Phước); Một dải (ven sông Tiền, trục đô thị ven sông từ Cái Bè đến Gò Công Đông, để thu hút đầu tư, phát triển giao thông đối ngoại, tăng sức hấp dẫn thu hút khách du lịch); Bốn hành lang kinh tế (hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; dọc theo tuyến Quốc lộ 1, tuyến Quốc lộ 50B quy hoạch; hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và tuyến Quốc lộ 50; hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp) và Ba khâu đột phá phát triển (phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao).
Tiền Giang tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng đúng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trong đó phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, chế biến nông - thủy sản hiện đại, tập trung, quy mô lớn, xanh và thân thiện với môi trường, trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Phát triển dịch vụ dựa trên các lĩnh vực du lịch, thương mại, logistics và cảng biển.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, để cụ thể hóa những mục tiêu trên vào thực tiễn, trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực, Tiền Giang rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tỉnh bạn, đặc biệt là phát huy tiềm năng, cơ hội đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến tỉnh.
“Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai để doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp các ý tưởng, triển khai các dự án phù hợp với mục tiêu đã xây dựng”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Ưu tiên thu hút đầu tư vào 3 lĩnh vực trọng tâm
Với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt vào các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; xây dựng môi trường đầu tư thực sự năng động, quyết đoán và hỗ trợ nhà đầu tư, nâng cao mức độ hài lòng của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư trên địa bàn, Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư theo hướng khai thác các thế mạnh của tỉnh. Cụ thể:
Về nông nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tương ứng với sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và thủy sản.
Về công nghiệp, ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác vị trí, tài nguyên vốn có, tiềm năng lao động của vùng, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Về thương mại và dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch dựa trên thế mạnh về tài nguyên đất đai, khí hậu, tài nguyên nhân văn, hình thành các trung tâm, cụm, tuyến du lịch theo hành lang kinh tế quốc tế, quốc gia nối kết các trung tâm du lịch TP.HCM, vùng ĐBSCL và Tiểu vùng sông Mê Kông; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm quy mô lớn; hệ thống các chợ đầu mối về nông - thủy sản, tạo cầu nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL.
Tỉnh Tiền Giang đã và đang quyết tâm tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Về thủ tục đầu tư: thời gian giải quyết được rút ngắn; thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư - đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục đầu tư kết hợp với dịch vụ công đã giải quyết được rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp so với trước đây.
Triển khai Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh Tiền Giang, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các dự án kinh tế, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm như:
Quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp các vùng công nghiệp tập trung.
Thực hiện quy hoạch đồng bộ 2 vùng công nghiệp trọng điểm, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu để thu hút đầu tư có hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và nâng cao tinh thần phục vụ của bộ máy nhà nước,
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang (cuối tháng 3/2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thực hiện Quy hoạch, tỉnh Tiền Giang cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã chọn Tiền Giang là nơi để thực hiện dự án đầu tư, nhấn mạnh tinh thần “ba cùng” là cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Tiền Giang phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí logistics… cho doanh nghiệp.