Ngân hàng
Tiền ngân hàng đang đổ vào đâu?
Vân Linh - 20/04/2017 09:25
Cùng với sự tăng trưởng tích cực của hoạt động tín dụng trong những tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán (còn được gọi là lĩnh vực phi sản xuất) cũng có xu hướng hướng tăng, dù các ngân hàng cho hay, đã điều chỉnh giảm tỷ lệ dư nợ cho vay vào bất động sản để tập trung vốn ngắn hạn.
Tại TP.HCM, tín dụng tiêu dùng tính đến tháng 6/2016 chiếm 14,7% tổng dư nợ, tức thị phần cho vay tiêu dùng đã tăng gấp đôi so với 2 năm trước đó. Ảnh: Lê Toàn

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối quý I/2017, tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố ước đạt gần 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2016 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về tình hình cho vay, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố tính đến thời điểm 31/3/2017 ước đạt 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2016 và tăng 19,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ tiền đồng tương đương 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 2,68% so với cuối năm 2016, chiếm hơn 90% tổng dư nợ. Dư nợ ngoại tệ tương đương 147.000 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cuối năm 2016.

Mặc dù tín dụng vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất, kinh doanh, song tỷ trọng trong tổng dư nợ đã thấp hơn so với trước đây. Hiện nay, tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm 75-78%, trong khi trước đây là 80-83%. Đáng chú ý, theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, thời gian gần đây, cơ cấu tín dụng có xu hướng thay đổi theo hướng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất tăng dần. Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM lưu ý các tổ chức tín dụng cần tiếp tục quan tâm đến tăng trưởng tín dụng, đảm bảo phù hợp đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với huy động vốn, đảm bảo tuân thủ quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Số liệu được đưa ra từ Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, quý I/2017, cân đối vĩ mô về cơ bản được đảm bảo, thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn khá dồi dào. Tính đến ngày 30/3/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,52%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,03% so với đầu năm.

Các ngân hàng đang tập trung khá mạnh vào tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần thận trọng, bởi thị trường bất động sản hiện nay dường như cung đang vượt cầu, song giá cả vẫn không giảm.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 23/3 tín dụng mới tăng 3,14% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 chỉ tăng 1,79%), tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80% tổng dư nợ. Điều này cho thấy, dòng vốn đã có sự chuyển biến khá lớn trong tuần cuối cùng của tháng 3 vừa qua.

Các số liệu đưa ra thể hiện sự khả quan, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, tín dụng tăng trưởng tích cực ngay những tháng đầu năm nay chủ yếu nhờ thị trường bất động sản ấm lên, các ngân hàng “mạnh tay” cho vay, nhất là với tín dụng mua nhà.

“Các ngân hàng đang tập trung khá mạnh vào tín dụng bất động sản, không chỉ với người mua nhà, mà còn cả các chủ đầu tư. Điều này cũng được xem là một giải pháp kích cầu thị trường, từ đó gia tăng nhu cầu tín dụng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần thận trọng, bởi thị trường bất động sản hiện nay dường như cung đang vượt cầu, song giá cả vẫn không giảm. Do đó, trong lĩnh vực này, ngân hàng cần có sự chọn lọc trong cho vay mới hạn chế được rủi ro nợ xấu”, chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn nói.

Kể từ đầu năm 2017, các ngân hàng thương mại bắt đầu tuân thủ lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn từ 60% xuống còn 50%, sau đó giảm tiếp xuống 40% từ năm 2018, theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN, nhằm hạn chế dòng vốn ngắn hạn chảy vào bất động sản, lĩnh vực thường cần vốn tín dụng trong thời gian từ 10-15 năm.

Bên cạnh đó, đối với tín dụng tiêu dùng, phần lớn nguồn vốn này cũng dồn cho bất động sản, với nhu cầu chính là sửa chữa nhà… Thực tế cho thấy, trong vài năm gầy đây, đặc biệt là năm 2016, thị trường cho vay tiêu dùng đã chứng kiến sự gia tăng trưởng mạnh mẽ, đi kèm với đó là sự cạnh tranh khốc liệt, khi không chỉ khối công ty tài chính, mà các ngân hàng cũng “đánh” mạnh vào mảng này.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, giai đoạn 2012-2015, dư nợ cho vay tiêu dùng tăng trưởng bình quân 20%/năm, trong khi tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2012-2013 chỉ khoảng 8-9%.

Giai đoạn 2014-2015, cho vay tiêu dùng chỉ chiếm 6-8% tổng dư nợ của toàn Thành phố, nhưng đến năm 2016 đã tăng lên tới 32%. Tính đến cuối tháng 10/2016, dư nợ cho vay tiêu dùng của TP.HCM đạt 201.000 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ toàn Thành phố, tức thị phần cho vay tiêu dùng đã tăng gấp đôi so với 2 năm trước đó.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, Thông tư 36/2014/TT-NHNN ra đời đã tạo nên sự thay đổi lớn trong quy định cho vay đầu tư chứng khoán, cụ thể là giới hạn các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán tối đa 5% vốn điều lệ, giảm mạnh so với mức 20% trước đó. Tuy nhiên, với sự hồi phục của thị trường chứng khoán thời gian qua, kéo theo xu hướng tín dụng lĩnh vực này cải thiện.

Bên cạnh đó, việc room tín dụng tại các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp đầu năm nay ở mức từ 14-16% được đánh giá là phù hợp, giúp cơ quan này có thể linh hoạt trong việc “nới lỏng” hay “siết chặt” tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất.

Tin liên quan
Tin khác