1.
Tôi nhận lời nhóm bạn, cùng ra Hà Nội tham dự một hội thảo về bất động sản. Cũng giống như nhiều hội thảo khác, các nhà đầu tư nhỏ lẻ rất quan tâm tới tính chất pháp lý cũng như nhiều chuyện khác liên quan tới việc mua bán nhà. Họ hỏi chuyên gia, mua ở đâu và thế nào, cùng sự dự đoán về việc bong bóng giá.
Thực sự, các chuyên gia cũng “người thường” giống như bao người khác. Do vậy, mọi sự chia sẻ chỉ để tham khảo và nhà đầu tư thì tùy theo túi tiền của mình mà tự quyết định phù hợp. Khó ai có thể dạy ai làm giàu và các cuốn sách dạy dỗ về việc này cũng vẫn là công việc kiếm ăn của công ty sách. Dự đoán, cứ lưng chừng vậy thôi, chứ ai dám mạnh miệng khẳng định chắc nịch điều gì! Thị trường luôn đỏng đảnh theo sự vận hành riêng, có khi dự đoán thế này mà lại chuyển qua thế nọ. Bởi vậy mới luôn hấp dẫn các nhà đầu tư!
Trong suốt buổi hội thảo, có nhiều ý kiến được đưa ra luận bàn, nhưng tôi nhận thấy mọi người rất chú ý tới câu nói của 1 chuyên gia. Anh cho rằng, 10 năm trước đây, giá đất thấp hơn nhiều so với hiện nay và 10 năm sau nữa, thì đương nhiên mặt bằng giá cũng được thiết lập cao hơn nhiều so với bây giờ. “Nếu bạn có tiền, thì cứ mua đất đi. Cứ có đất là mua. Mua để đó, không bao giờ lo sợ bị lỗ vốn”.
Câu nói có vẻ hơi “hô hào”, nhưng trên nền tảng thực tế chính xác. Tuy nhiên, “cứ mua đất, mua đất”, thì kinh tế xã hội bị lệch lạc. Tiền vốn không được bỏ vào sản xuất - kinh doanh để phát triển. “Mua đất, mua đất” hoài, lớp trẻ không có ý chí vươn lên, lớp trung niên có tiền rồi khuấy đảo thị trường. Giá đất leo mãi, biến đồng tiền trượt giá nhanh chóng. Các thước đo giá trị liên quan khác cũng bị biến đổi, méo mó theo. Công chức đi làm, chỉ tập trung nói chuyện mua bán đất đai, nhà cửa. Cuộc sống, niềm vui và cả khát vọng, đặt hết vào giá nhà đất. Điều đó, là sự bất thường.
Nhưng, ông bà mình lại có câu, nói đi thì phải nói lại. Nói lại, thì như thế nào? Nếu không mua nhà đất, thì biết mua gì?
2.
Cách nay mấy ngày, anh bạn đồng nghiệp, trước đây là cây viết khá nổi tiếng ngay từ thời mà bây giờ dân mạng gọi là “trẻ trâu”, giờ đã là người thành đạt khi kinh doanh bất động sản, đã nhắn tin nói rằng, các cơ quan hữu quan đang đề xuất nếu dùng tiền mặt trên 300 triệu đồng mua bán bất động sản phải báo cáo để chống rửa tiền.
Tôi hỏi, vậy có thể cho tặng được không? Anh trả lời, cho tặng cũng phải đóng thuế. Ừ, mua bán cũng đóng thuế mà, chấp nhận. Tất nhiên, đề xuất này nếu được thông qua, thì mọi sự giao dịch mua bán hà rầm cũng sẽ bớt lại.
Tôi lại hỏi anh, vậy tiền dư thì theo anh, sẽ phải làm gì? Để tiền, bao gồm cả tiền đồng lẫn ngoại tệ trong tài khoản ngân hàng không phải là sự chọn lựa của dân đầu tư. Để trữ vàng, ngoại tệ, kim cương, đá quý ở nhà, thì lo trộm lắm và tất nhiên, sinh lời chẳng đáng gì, có khi lúc bán đi giá còn thấp hơn lúc mua. Đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, không phải ai cũng có năng khiếu. Đầu tư chứng khoán cũng cần có hiểu biết về lĩnh vực này, các bà nội trợ không am hiểu không tham gia được. Chỉ có đầu tư bất động sản có vẻ là nhẹ nhõm hơn.
Bằng chứng là nhìn các đợt mở bán các dự án đất nền và căn hộ, thấy các bà, các cô tiểu thương hoặc kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc nội trợ ở nhà, tới đăng ký mua rất nhiều. Ký hợp đồng xong rồi, họ nhờ đội ngũ sale bán dùm. Cứ thế thôi mà xoay vòng. Và giá nhà đất thì tăng theo từng tháng, từng năm, tùy theo dự án và vị trí. Cũng không cần phải am hiểu quá nhiều, không cần đọc phân tích thông tin trong và ngoài nước. May mắn nhất, là không mua phải các dự án ma, chọn các công ty có uy tín, vậy là từ từ sinh lời sinh lãi.
Không mua nhà đất đi, thì cũng chẳng biết phải mua gì và làm gì, để ra tiền!
Nhưng, ai ai cũng dồn hết tiền để mua bất động sản, thì có phải là sự mất cân đối của kinh tế thị trường hay không?
Thực sự, chúng ta vẫn không biết phải làm sao, và hẳn rằng ngồi uống trà đàm luận việc này mòn mỏi nhiều nhiều thời gian nữa, chắc vẫn chưa thể đưa ra cách thức nào khả dĩ nhất để cân đối được nhu cầu và lợi nhuận của cả người dân và xã hội. Trong lúc chờ đợi, chắc lại phải… đi mua đất!