Thời sự
Tiên phong đổi mới, sẵn sàng cho bứt phá
Hà Nguyễn - 18/01/2019 08:51
Khi Chính phủ đặt ra mục tiêu bứt phá trong năm 2019, thì trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế” càng nặng nề hơn bao giờ hết. Nhưng nếu nỗ lực cải cách và phát triển, cơ hội cho sự bứt phá sẽ càng lớn hơn.
TIN LIÊN QUAN
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Đức Thanh

Tiên phong đổi mới, nắm bắt cơ hội

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã một lần nữa nhấn mạnh những thành tựu kinh tế - xã hội năm 2018, như lần đầu tiên cả 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm qua…, để khẳng định rằng, kinh tế năm 2018 đã đạt được những kết quả toàn diện. Và trong kết quả ấy, có đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.

“Với phương châm ‘Tiên phong đổi mới, nắm bắt cơ hội’, ngay từ đầu năm 2018, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Kế hoạch và Đầu tư nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng đã khẩn trương, quyết liệt tổ chức thực hiện một cách hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào kết quả chung thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh những phần việc quan trọng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trong năm 2018. Đó là việc tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. Trong số đó, đáng chú ý là việc hoàn thiện thể chế quản lý quy hoạch, hoàn thiện thể chế về quản lý đầu tư công, cũng như về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, về nghiên cứu, đề xuất các mô hình mới về phát triển kinh tế - xã hội…

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ghi dấu ấn đặc biệt trong triển khai các nội dung liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi đã chủ trì tổ chức thành công Chương trình kết nối xây dựng “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam”, đồng thời đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, đồng thời có sáng kiến tổ chức Diễn đàn thường niên Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) và công bố “Khung chính sách kinh tế Việt Nam”…

Ngoài tiên phong đổi mới trong cải cách thể chế, chính sách, năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ tham mưu điều hành thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế - xã hội năm 2018 đã thắng lợi toàn diện.

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định rằng, trong năm 2018, tầm nhìn và tư duy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đổi mới, nhiều đề xuất, hành động có vẻ như “tự lấy đá ghè chân mình”, đổi mới hơn nhiệm kỳ trước và đã sẵn sàng từ bỏ đặc quyền của mình... Đó là khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi sửa đổi Luật Đầu tư công đã đề xuất bãi bỏ quy trình thẩm định nguồn vốn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hay khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất “trảm” hàng loạt quy định từ tiền kiểm sang hậu kiểm chuyên ngành…

“Trong thành tựu chung của nền kinh tế năm 2018, có đóng góp rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ đã chủ động, sáng tạo trong tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, trong xây dựng các kịch bản kinh tế, kịch bản kiểm soát giá cả và phối hợp rất tốt với tổ công tác điều hành vĩ mô để đề ra các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Sẵn sàng bứt phá

Dù những đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là to lớn, dù những nỗ lực tiên phong cải cách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đáng ghi nhận, song một cách thẳng thắn, vị thuyền trưởng của cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng lưu ý rằng, “không được phép hài lòng với kết quả đạt được mà lơ là, chủ quan trước những thách thức và nguy cơ của năm 2019”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc nhở, dù trong năm 2018 đã thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả phương châm hoạt động là “tiên phong đổi mới, nắm bắt cơ hội” để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Chẳng hạn, kỷ luật, kỷ cương trong công tác chuyên môn, nhất là lĩnh vực đầu tư công đã được tăng cường, nhưng cần thực hiện nghiêm hơn nữa. Tinh thần đổi mới, sáng tạo đã lan tỏa khắp toàn ngành, toàn cơ quan, nhưng hiệu quả còn chưa cao. Công tác tham mưu thể chế, chính sách, pháp luật chuyển biến tích cực, nhưng tính bền vững còn chưa rõ nét…

Tuy là hội nghị tổng kết ngành, nhưng lại là ngành đóng vai trò “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”, nên các nhiệm vụ tưởng chừng chỉ được giao cho các cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng thực tế lại là “mệnh lệnh của nền kinh tế”.

Mệnh lệnh đó đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trước hết là “phải tận dụng bằng được các cơ hội đem lại, dù là nhỏ nhất để phát triển bứt phá”. Các cơ hội này, theo Bộ trưởng, đến từ đà tăng trưởng kinh tế tích cực đã có được 2 năm qua; đến từ xu thế tăng trưởng tốt của các ngành, lĩnh vực, địa phương; cũng như đến từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; từ làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu - được cho là đang tiếp tục chảy về khu vực năng động, trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn…

Thứ hai, là kiên định mục tiêu, giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm hướng tới đạt được sự phát triển bứt phá không chỉ cho năm 2019, mà còn nhiều năm tiếp theo.

Thứ ba, toàn ngành và cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cấp, các ngành ra sức thi đua, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đạt kết quả bứt phá trong tất cả các chính sách, giải pháp đã đề ra, tập trung vào một số bứt phá trọng tâm như phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân; gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo…

“Phải khắc phục căn bản tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’ và kinh tế 4.0, nhưng quản lý mới 1.0”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ “nhắc nhở” Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa lo cho tăng trưởng 2019, nhưng cũng vừa phải lo cho phát triển giai đoạn sau. “Phải xem các động lực tăng trưởng tiếp tục được khai thác như thế nào để tránh các điểm nghẽn. Không chỉ lo cho tăng trưởng của năm 2019, mà còn là các tầm nhìn 2020, 2030 và 2045”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó thủ tướng nhấn mạnh việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật về đầu tư công, tránh những cải cách trong những lĩnh vực này vô tình trở thành điểm nghẽn, cũng như sớm có hướng dẫn trong thực hiện Luật Quy hoạch để chuẩn bị cho việc xây dựng các quy hoạch, chuẩn bị cho thập kỷ phát triển sau.

“Sang năm 2019, bối cảnh quốc tế dự báo sẽ phức tạp và khó khăn hơn năm 2018, cục diện quốc tế dự kiến có nhiều thay đổi, nhất là cục diện về thương mại, đầu tư và công nghệ. Chúng ta cần nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội mới, chủ động, linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước để đứng vững trước những thay đổi của thế giới và phát triển nhanh, bền vững”.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tin liên quan
Tin khác