Đầu tư
Tiên phong đưa Việt Nam thành trung tâm của đổi mới sáng tạo
Hà Nguyễn - 28/12/2020 14:46
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đang chuẩn bị được xây dựng, từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.

Bước ngoặt quan trọng: Viên gạch đầu tiên cho NIC

Một sự kiện quan trọng sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong những ngày đầu năm mới 2021 (9-10/1). Đó là Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam International Innovation Expo 2021 - VIIE 2021).

Sự kiện sẽ diễn ra với dày đặc hoạt động hội thảo, tọa đàm về các vấn đề Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp dẫn đầu, vai trò dẫn dắt hướng đến nền kinh tế số 2030; Người tiêu dùng thông minh trong kỷ nguyên 4.0; Kinh doanh thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số; và đặc biệt là Phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất tăng trưởng kinh tế…

Điều thú vị là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nơi sẽ xây dựng NIC, làm địa điểm tổ chức sự kiện quan trọng này. Không phải chỉ vì trong khuôn khổ VIIE 2021, NIC cũng sẽ được khởi công xây dựng, mà quan trọng không kém, là tại đó, các công nghệ đột phá cũng sẽ được giới thiệu, trình diễn. Một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng lớn của Việt Nam và thế giới sẽ hội tụ ở Hòa Lạc, đúng như mong muốn của Chính phủ Việt Nam khi quyết định thành lập NIC vào đầu tháng 10 năm ngoái: đưa NIC trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.

NIC là công cụ quan trọng, là điểm nhấn chính để Việt Nam thực hiện Chiến lược cách mạng 4.0

Theo kế hoạch, NIC sẽ được xây dựng làm 6 phân khu chức năng chính, gồm Trung tâm Dịch vụ tích hợp; Không gian làm việc cho các công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước; Không gian làm việc chung cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Khu các phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo nguyên mẫu; Trung tâm tổ chức sự kiện, các khu triển lãm, trưng bày sản phẩm.

Có thể chưa thật đầy đủ, do điều kiện của dịch bệnh Covid-19, khiến còn thiếu vắng một số tên tuổi lớn của thế giới, song VIIE 2021 thực sự sẽ như một “NIC thu nhỏ”. Các sản phẩm, giải pháp công nghệ được giới thiệu, trình diễn tại VIIE 2021 cũng sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính, là: đô thị thông minh, sản xuất thông minh, an ninh mạng, công nghệ số, công nghệ trong nông nghiệp và môi trường. Đây chính là 5 lĩnh vực được tập trung phát triển khi NIC được hình thành.

Vì thế, tổ chức VIIE 2021 cũng là cách để giới thiệu và gửi thông điệp ra thế giới và cộng đồng nhà đầu tư về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc

Hội tụ tại VIIE 2021, các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam và thế giới, các chuyên gia, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, các tập đoàn quốc tế, các quỹ đầu tư… sẽ có cơ hội kết nối và phát triển đa chiều. Và hơn hết, tất cả cũng sẽ thảo luận để làm sao cùng hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo, cho sự phát triển của NIC, để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.

Tiên phong đổi mới sáng tạo

Sự kiện VIIE 2021 và khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC là một bước ngoặt lớn, và là thành quả của một chuỗi những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Hơn 2 năm trước đây, để tận dụng cơ hội “ngàn năm có một” từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để “tiến kịp, bắt cùng và vượt lên”, chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiên phong tham mưu Chính phủ xây dựng Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Và không chỉ là xây dựng Chiến lược, dưới sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã được thiết lập, quy tụ các tri thức khắp nơi trên thế giới về cùng chung tay xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh. NIC cũng được đề xuất xây dựng, để từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo mới thế giới.

Khi NIC lần đầu tiên được báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói rằng, việc xây dựng NIC được gắn với phát triển kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chứ không chỉ đơn thuần là khoa học - công nghệ. Và rằng, đặt tại Hòa Lạc nhưng không có nghĩa là trung tâm này chỉ phục vụ cho riêng Hà Nội, hay vùng Đồng bằng sông Hồng, thậm chí là cho riêng Việt Nam, mà phải xác định rằng, trung tâm này chính là “cuộc chơi” của Việt Nam ở tầm thế giới, làm sao để kéo được các nhà khoa học thế giới và Việt Nam đến đây, nghiên cứu và phát triển các công nghệ có thể ứng dụng được không chỉ ở Việt Nam, mà là toàn cầu

Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì khẳng định, trung tâm này chính là “công cụ quan trọng, là điểm nhấn chính để Việt Nam thực hiện Chiến lược cách mạng 4.0”.

Trên thực tế, Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là câu chuyện của khoa học - công nghệ, mà quan trọng hơn hết, là chuyện thay đổi phương thức kinh doanh, tổ chức sản xuất, cũng như cung ứng dịch vụ… của  kinh tế toàn cầu, mà nếu không thay đổi, không có chiến lược để “bắt kịp”, Việt Nam sẽ tụt hậu. Trong khi đó, nếu tận dụng được, thì đó chính là cơ hội “ngàn năm có một” để Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế, đột phá phát triển.

“Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển nhanh và bền vững. Bất kỳ quốc gia nào chậm chân trên con đường này thì không thể thành công”, đây là điều đã luôn được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định trong thời gian vừa qua.

Xây dựng NIC, thực hiện các triển lãm như VIIE 2021… vì thế chính là cách để Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây chính là một trong những đột phá chiến lược quan trọng đã được xác định trong Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Và vì thế, điều đó cũng đồng nghĩa với việc, sẽ tạo cơ hội để kinh tế Việt Nam trỗi dậy, tăng tốc và vượt lên.

Tin liên quan
Tin khác