Sôi động xe điện, xe hybrid hay trang bị động cơ Euro 5
PGS-TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, điện hóa phương tiện là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm khí nhà kính cho ngành giao thông vận tải. Ước tính, việc điện hóa phương tiện giao thông đường bộ có thể giảm 1/3 khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông - vận tải vào năm 2030.
Với ưu điểm này, dù doanh số ô tô điện bán ra hàng năm đang tăng lên, nhưng cũng mới đạt khoảng 20% tổng số xe ô tô được bán ra trên toàn cầu năm 2023.
Theo thống kê của nhiều tổ chức, năm 2024, thế giới có khoảng 1,475 tỷ ô tô các loại lưu hành. Tuy nhiên, doanh số bán xe trong khoảng 10 năm trở lại đây (2013-2023) chưa bao giờ vượt quá con số 100 triệu chiếc/năm.
Tại Việt Nam, lượng ô tô đăng ký mới năm 2023 là 408.542 chiếc và năm cao nhất cũng chưa vượt qua mốc 500.000 chiếc. Lũy kế tới hết năm 2023, Việt Nam có khoảng 6,3 triệu ô tô đang lưu hành.
Thực tế trên cũng cho thấy, ngay cả khi người dân chỉ mua xe thuần điện (BEV) để thay thế các xe động cơ đốt trong (ICE), thì cũng mất 15 năm mới thay thế xong số lượng xe động cơ đốt trong hiện có.
Có lẽ cũng nhìn thấy rõ thực tế này, nên tại Việt Nam, theo Quyết định số 876/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông - vận tải đã đặt mục tiêu đến năm 2040, sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch sử dụng trong nước.
Xa hơn, đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Như vậy, trong lúc chưa thể thay thế hoàn toàn xe động cơ đốt trong bằng xe điện và các xe năng lượng xanh như hydrogen, năng lượng mặt trời…, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn phải đối mặt với yêu cầu giảm phát thải để môi trường bớt ô nhiễm.
“Bên cạnh việc chuyển đổi sang xe thuần điện, cũng cần có ngay các giải pháp khác để giảm phát thải cho các xe động cơ đốt trong đang lưu hành chưa chuyển đổi được. Vì thế, cần có cách tiếp cận đa chiều trong giảm phát thải”, ông Nakano Keita, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Các doanh nghiệp ô tô lớn, có truyền thống lâu năm trong ngành cũng đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để người tiêu dùng lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
Trong số này, xe xăng lai điện (hybrid) được coi là giải pháp phù hợp tại nhiều thị trường, bởi không phải đầu tư lớn và ngay lập tức vào hạ tầng giao thông như trạm sạc cho xe điện, đồng thời không bị quá lệ thuộc vào tình trạng cung cấp điện.
“Tôi cho rằng, phổ biến các loại xe hybrid hay tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học hiện là thực tế và hợp lý nhất với điều kiện hiện nay của Việt Nam”, ông Nakano Keita nhận xét.
Tìm lối từ nhiên liệu sinh học, lắp điện mặt trời, trồng rừng
Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ dẫn nghiên cứu của Đạihọc Illinois tại Chicago cho hay, tại 5 thành phố là Bắc Kinh, Mexico, New Dehil, Seoul và Tokyo, khí ethanol được pha trộn vào xăng dầu ở mức E10 hay cao hơn là E20 sẽ khiến khí thải của phương tiện giao thông giảm từ 1,8% đến 9,1% (tùy lượng xe và kiểu dạng xe lưu hành tại từng nơi).
Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô của Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã có nghiên cứu việc sử dụng nhiên liệu sinh học trên các xe hybrid nói chung, xe Toyota nói riêng và cho thấy, không có vấn đề gì với loại xăng E5 (5% ethanol) hay thậm chí là xăng E10 (10% ethanol).
Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc mua xe điện mới là giải pháp nhanh nhất, khách hàng cũng có thể dùng xe hybrid để giảm mạnh tiêu thụ nhiên liệu, rồi phổ cập các nhiên liệu sạch hơn như nhiên liệu sinh học, khí CNG, hydrogen.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2025, các loại ô tô động cơ đốt trong khi bán ra thị trường cũng phải trang bị động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải mức 5, tương đương Euro 5, để góp phần giảm khí thải.
Không chỉ dừng lại ở việc tung ra các sản phẩm ô tô mới có lượng khí thải phát ra giảm, nhiều doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam đã triển khai lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng và đại lý để tăng thêm điểm cộng xanh cho doanh nghiệp.
Đơn cử, năm 2023, Honda Việt Nam đưa vào vận hành hệ thống điện áp mái tại 2 nhà máy Vĩnh Phúc và Hà Nam với tổng công suất 8 MWp, góp phần giảm sử dụng điện lưới quốc gia hơn 7,5 triệu kWh/năm, tương đương giảm khoảng 4.700 tấn CO2/ năm.