Đầu tư
“Tiếp sức” nhà đầu tư đổ vốn làm điện mặt trời
Thế Hải - 19/09/2017 07:30
Việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành giá điện mặt trời bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 9,35 UScent/kWh, cao hơn đáng kể so với giá bán lẻ điện bình quân của EVN là 7,3 UScent/kWh, sẽ “tiếp sức” nhà đầu tư đổ vốn làm điện mặt trời.

Điện mặt trời không còn nằm trên giấy

Năm 2017, tổng công suất lắp đặt của các dự án điện mặt trời trên toàn thế giới dự kiến tăng 30%. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế đầu tư vào điện mặt trời đang phát triển ngoạn mục này.

Dòng vốn tư nhân chảy vào các dự án điện mặt trời càng hiện thực hơn khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Việt Nam có nhiều lợi thế để đầu tư điện mặt trời

Theo đó, toàn bộ điện năng sản xuất từ các dự án điện mặt trời sẽ được EVN mua với giá 2.086 đồng/kWh, tương đương 9,35 UScent/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Giá bán điện sẽ được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VND/USD.

Tính đến hết tháng 7/2017, đã có hàng trăm dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư vào Việt Nam, với công suất nguồn lên tới 17.000 MW. Trong đó, riêng tại Bình Thuận, hiện có gần 20 nhà đầu tư có dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năng lượng mặt trời.

Khác xa với những năm trước, các dự án giai đoạn này đều có tổng mức đầu tư lớn, như Eco Seido Tuy Phong (giai đoạn I) có công suất 40 MW, vốn 1.650 tỷ đồng; Nhà máy Vĩnh Hảo công suất 30 MW, vốn 1.180 tỷ đồng; VSP Bình Thuận 2 công suất 30 MW, vốn 1.180 tỷ đồng…

Đáng chú ý là, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) công bố sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng và vận hành 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam.

Ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc TTC cho biết, Tập đoàn đã lên kế hoạch triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh (324 MW), Bình Thuận (300 MW), Ninh Thuận (300 MW), Huế (30 MW), Gia Lai (49 MW)…, với suất đầu tư tối đa 20 tỷ đồng/MW.

Các dự án này bắt đầu khởi công vào quý IV/2017. Tập đoàn TTC góp 30% vốn, phần còn lại huy động từ ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân, công suất 19,2 MW, do Thiên Tân Group đầu tư, có tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng, đã được khởi công xây dựng trên diện tích 24 ha tại xã Minh Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Còn Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2 tại Quảng Trị, do Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư, công suất 30 MW, vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

EVN cũng đề xuất tỉnh Ninh Thuận việc đầu tư Dự án Năng lượng mặt trời với công suất 200 MW, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 400 ha tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước.

Thời điểm tốt để đầu tư vào điện mặt trời

Ông Gaetan Masson, Giám đốc Viện Becquerel (Vương quốc Bỉ) cho rằng, hiện là thời điểm rất tốt để Việt Nam huy động các nguồn vốn vào lĩnh vực năng lượng mặt trời. Quan trọng hơn, việc Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg sẽ giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, khiến việc huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tư nhân trở nên hiệu quả.

Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Đây là lợi thế để đầu tư điện mặt trời.

Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, số giờ nắng đạt 2.000 - 2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2.

(Nguồn: Hội Năng lượng sạch Việt Nam)

Xác định cơ hội đầu tư vào năng lượng mặt trời, trong khuôn khổ Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E) do Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ hợp tác với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) thực hiện, các bên liên quan vừa tổ chức Hội thảo khởi động “Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030”.

Bà Sonia Lioret, Trưởng dự án 4E của GIZ cho rằng, việc đánh giá tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam là vô cùng quan trọng, bởi nó không chỉ cung cấp thông tin toàn diện hơn về tiềm năng, mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn các địa điểm có dự án điện mặt trời. Từ đó, sẽ thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc lập Quy hoạch Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

“Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và đang tạo áp lực mạnh mẽ lên quá trình sản xuất điện vốn chủ yếu dựa vào nhiệt điện và thủy điện. Đã đến lúc, phải thay đổi nhận thức để chuyển hướng đầu tư”, bà Sonia Lioret nhấn mạnh.

Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đến từ Hoa Kỳ cho rằng, đầu tư năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…) là tất yếu, bởi chi phí năng lượng tái tạo đang giảm 9 - 12%/năm.

Điều này khá thuận lợi cho các quốc gia đi sau như Việt Nam trong các quyết định đầu tư vào năng lượng sạch. Chưa kể, nếu xây nhà máy điện than cần 4 - 6 năm, thì làm điện gió, điện mặt trời chỉ mất 1 năm, nên đây cũng là một trong những lợi thế so sánh đáng kể cho Việt Nam.

“Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng điện mặt trời mang đến cơ hội thay thế rẻ hơn hẳn cho công nghệ nhiệt điện vẫn đang được sử dụng ở Việt Nam. Ưu điểm là chi phí vốn cho điện mặt trời tập trung chủ yếu ở năm đầu tiên, không có chi phí nguyên liệu, vòng đời dự án tới 20 - 30 năm…”, ông Gaetan Masson nói.

Tin liên quan
Tin khác