Dịch Covid - 19 đã tác động tiêu cực lên 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên |
Trong hệ thống chỉ tiêu trình Quốc hội thông qua hàng năm, các con số về lao động, việc làm luôn chứa đựng những băn khoăn, đã từng gây tranh cãi nảy lửa tại nghị trường, nay trong bối cảnh Covid - 19 làm chao đảo nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ lại tiếp tục gây băn khoăn.
Tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ?
Phục vụ yêu cầu thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch kinh tế, xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-220 của các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành đều đã có báo cáo tình hình năm nay và 5 năm qua.
Báo cáo nào cũng có "dấu ấn" của Covid-19, song với ngành lao động, thương binh và xã hội, những con số thể hiện sức tàn phá của đại dịch này có lẽ cử tri cảm nhận rõ rệt hơn cả.
Ký báo cáo số 129 gửi đến Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, năm 2020 tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, đời sống của nhân dân. Tính toán sơ bộ trong 8 tháng đầu năm, số lao động bị mất việc làm từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực có quan hệ lao động là hơn 1 triệu lao động
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ trưởng cho biết dịch Covid - 19 đã tác động tiêu cực lên 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên (28,7 triệu người có việc làm, 897,7 nghìn người thất nghiệp, 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động). Ảnh hưởng giảm thu nhập chiếm tỉ trọng lớn nhất với 17,6 triệu người (chiếm 57,3%); khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8% và khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 25,1%.
Thu nhập bình quân của lao động trong khu vực dịch vụ giảm 7,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,1% và khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm 2,8%. Tổng thu nhập bình quân 1 tháng của lao động làm công hưởng lương quý 2/2020 là 6,45 triệu đồng, giảm 950 nghìn đồng so với quý 1.
Ngoài ra, hiện nay cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, 1,23 triệu hộ cận nghèo; với tác động của dịch Covid-19 đến lao động, việc làm và thu nhập thì nguy cơ số hộ nghèo, cận nghèo sẽ gia tăng, Bộ trưởng Dung nhận định.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cũng là một trong 4/12 chỉ tiêu không đạt kế hoạch Quốc hội giao (chỉ tiêu dưới 4%, ước thực hiện cả năm 4,39%). Nhưng, tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế ngày 25/9 vừa qua, cả đại biểu Quốc hội và chuyên gia đều chưa mấy tin tưởng vào độ chính xác của con số này.
Tăng trưởng thấp, gói hỗ trợ lần thứ nhất được đề xuất lên đến 62.000 tỷ, tới đây dự đinh đề xuất gói thứ hai 18,6.000 tỷ nữa, vậy mà tỷ lệ thất nghiệp không cao hơn năm trước là mấy, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh băn khoăn.
Tình hình khó khăn như thế mà chỉ có 4 chỉ tiêu không đạt, thực lòng tôi rất muốn những con số tại báo cáo được Chính phủ báo cáo Quốc hội hàng năm là chính xác, nhưng vẫn băn khoăn không biết có chính xác không, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Minh bày tỏ.
Sốt ruột với tiến độ gói hỗ trợ thứ nhất
Bên cạnh việc làm, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia còn rất quan tâm đến gói hỗ trợ được Quốc hội quyết định lên đến 62.000 tỷ.
Bộ trưởng Dung khẳng định ngành lao động, thương binh và ã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện gói này đến đúng đối tượng, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Bộ trưởng dẫn nhiều con số chứng minh, như tính đến 15/9/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách trên 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17,5 ngàn tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đã giải ngân 12.502,265 tỷ đồng để hỗ trợ cho 12.555.763 người và 23.508 hộ kinh doanh, trong đó: nhóm đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ 774.703 người với kinh phí là 783,062 tỷ đồng; hỗ trợ 23.508 hộ kinh doanh, kinh phí 23,674 tỷ đồng.
Nhưng, tiến độ này, theo chuyên gia Cấn Văn Lực là chậm. Ông Lực cho rằng cần phải đánh giá kỹ hơn về gói hỗ trợ thứ nhất, hiện mới giải ngân được chưa đến 30% thì sắp tới có giải pháp gì với 70% còn lại, điều đó thì chưa thấy báo cáo nêu.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia này vẫn đề nghị cần có gói hỗ trợ thứ hai, kéo dài đến hết 2021, bởi sức chiu đựng của doanh nghiệp đã cạn và dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới chấm dứt.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chắc chắn cần gói hỗ trợ đợt hai vì cả doanh nghiệp và người dân đều đang rất khó khăn, nhưng cần thiết kế để đảm bảo khả thi. Ngân hàng Nhà nước cam kết đáp ứng đủ nguồn vốn, sẵn sàng tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng đề nghị và đáp ứng đươc yêu cầu, chủ động đánh giá nguy cơ nợ xấu, điều hành lãi suất linh hoạt, bà Hồng phát biểu.