Thời sự
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi
Hồng Phúc - 04/12/2019 21:26
Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi khi thông qua được kỳ vọng giúp đơn giản hoá thủ tục, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp hơn nữa.

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 11 vừa qua và dự kiến thông tại Kỳ họp thứ 9.

Để đảm bảo tính minh bạch cũng như lắng nghe các ý kiến từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội... Ủy ban kinh tế của Quốc hội cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng (vào ngày 6/12). 

Tại hội thảo lấy ý kiến được tổ chức sáng nay tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Đại Thắng cho biết, từ 2016-2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng trên 30% so với cùng kỳ các năm trước. 

Tổng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn trên cộng với năm nay chiếm khoảng 1/4 so với 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài.  

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Tuy nhiên, trước thị trường kinh doanh đang thay đổi, buộc phải xem xét điều chỉnh Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đáp ứng yêu cầu như cần có khung pháp lý thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.

Cùng với đó, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển và các nước đang phát triển như Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong thu hút vốn đầu tư có chất lượng.

Ví dụ Ba Lan, một quốc gia ở Đông Âu đưa ra chính sách thu hút đầu tư, những gói hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thậm chí trực tiếp bằng tiền của ngân sách Nhà nước.  

Ở Thái Lan, Malaysia nhằm nhận lấy nguồn vốn đầu tư vào khu vực, họ đã như đưa ra gói hỗ trợ đầu tư nước ngoài rất lớn như Thái Lan tăng ưu đãi 50% về thuế, đất đai còn Malaysia tuyên bố đưa ra cơ chế nhằm thu hút các doanh nghiệp trong tốp 500 hàng đầu thế giới…

“Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ lắng nghe các ý kiến nhằm đảm bảo khi Quốc hội thông qua sẽ có một bộ luật tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo tính công khai, minh bạch và đặc biệt thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả nước”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ. 

Trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp, cổ đông nhỏ, hộ kinh doanh 

Về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - đại diện Ban soạn thảo cho biết sẽ chỉ đề xuất bãi bỏ thủ tục thông qua mẫu dấu, trao quyền cho doanh nghiệp tự làm, tự quyết định nội dung, hình thức, kích cỡ của dấu và không hạn chế về số lượng. 

Ngoài ra, doanh nghiệp phải thông báo, công khai mẫu dấu trên cổng thông tin điện tử quốc gia. Trong khi trước đây, mỗi doanh nghiệp chỉ có một con dấu và theo một chuẩn duy nhất 36mm, do cơ quan công an cấp. 

Trọng tâm của Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này nằm ở cải cách khuôn khổ quản trị doanh nghiệp. 

Dự kiến sửa đổi thứ nhất nằm ở mô hình, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Với công ty trách nhiệm hữu hạn không bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát, có thể thuê ngoài kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán để thực hiện chức năng kiểm soát (trừ doanh nghiệp có vốn Nhà nước). 

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Về công ty cổ phần, mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông, nhóm cổ đông trong tiếp cận thông tin tình hình kinh doanh của công ty. 

Theo quy định hiện hành, ngoài thông tin doanh nghiệp công khai cho mọi đối tượng được biết thì những cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu 10% cổ phần trở lên và trong 6 tháng liên tục được quyền tiếp cận những thông tin sâu hơn. 

“Quy định này đang không phù hợp với thực tế. Như trường hợp nhà đầu tư Thái Lan sau khi chi khoảng 5 tỷ USD sở hữu lượng lớn cổ phần của Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhưng không thể ngay lập tức có thể tái cơ cấu công ty, thiết lập hệ thống quản trị bởi bị giới hạn do quy định phải sở hữu cổ phần liên tục trên 6 tháng”, ông Hiếu lấy ví dụ và cho biết, Luật sửa đổi dự kiến sẽ bỏ yêu cầu phải sở hữu cổ phần liên tục trên 6 tháng cũng như giảm yêu cầu tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 3%, nhằm tăng quyền của cổ đông nhỏ. 

Ngoài ra, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi cụ thể tiêu chí, doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu chi phối phải nắm trên 50%, bổ sung quy định công khai minh bạch thông tin tương đương doanh nghiệp niêm yết, kiểm soát chặt hơn các giao dịch giữa những người có liên quan trọng gia đình đảm nhận các vị trí quần lý quan trọng trong cùng doanh nghiệp. 

Các hộ kinh doanh cũng sẽ được đưa vào Luật Doanh nghiệp nhằm “khẳng định sự tồn tại của hộ”. Cùng với đó là bãi bỏ tất cả hạn chế thương quyền của hộ như số lượng nhân viên, hay giới hạn kinh doanh cấp quận và thứ ba là làm rõ địa vị pháp lý. 

Về chính sách khuyến khích đầu tư, Luật Đầu tư sửa đổi dự kiến sẽ mở rộng cơ chế khuyến khích đầu tư để thu hút đầu tư có chọn lọc dựa trên kết quả đầu ra, khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. 

Bổ sung ưu đãi vượt trội, linh hoạt với các dự án có tác động lớn đến kinh tế- xã hội như trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên, dự án thuộc ngành/nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm,…

Giải phóng nguồn lực từ thủ tục hành chính

Chia sẻ tại cuộc gặp với Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng như các hội viên được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương đánh giá, các doanh nghiệp tại TP.HCM cũng như trên cả nước đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế nước nhà cũng chưa thực sự phát triển nhanh, bền vững. 

Đại diện này đưa ra các con số chứng minh như, cả nước có khoảng 45% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tuy nhiên, tỷ lệ này tại TP.HCM chỉ 36%- thấp nhất trên cả nước.

“Chính những con số này nói lên rằng, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp sức, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thông qua tạo lập môi trường kinh doanh, nền tảng thể chế thuận lợi, thậm chí mang tính vượt trội so với các nước trong khu vực để tạo đà bức phá phát triển cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ.

Từ tỷ lệ doanh nghiệp có lãi thấp so với mặt bằng chung cả nước tại TP.HCM, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận 1 cho rằng, cần đánh giá dựa trên số lượng doanh nghiệp lớn, nhưng cũng là nôi khởi nghiệp lớn nhất cả nước. 

Tại Hội doanh nghiệp quận 1 hiện có khoảng 20.000 doanh nghiệp, hầu hết doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước và mỗi năm có thêm 3.000 đến 5.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, hầu hết thuộc nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Đại diện này cho rằng, những doanh nghiệp mới thành lập thường không có lợi nhuận trong những năm đầu tiên. 

“Hiện, nguồn lực trong dân và doanh nghiệp rất lớn. Vấn đề là chính quyền làm sao kích thích giải phóng được nguồn lực này từ giải quyết được điều mong muốn của doanh nghiệp thay vì “kêu gọi đầu tư” hay “trải thảm” nghe mang tính vĩ mô”, ông Nguyễn Cao Trí nói và đưa ra ví dụ về thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. 

Nhiều doanh nhân đặt trụ sở doanh nghiệp dọc trục đường Lê Lợi- Nguyễn Huệ than phiền kinh doanh trì trệ dù các năm trước, đây là tuyến đường sầm uất. Thậm chí, có doanh nghiệp phá sản vì tiến độ Metro bít bùng mọi giá trị. Từ nấc thang giá trị cao nhất thì giờ đây, mặt bằng ở trục đường này cho thuê cũng khó khăn.

Như theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, từ đầu năm đến nay chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83% so với cùng kỳ năm 2018 hay chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm lần lượt khoảng 83% và 72% so với cùng kỳ năm 2018.

“Tôi có than phiền với ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Medic Hoà Hảo rằng, chúng tôi xây một dự án trường đại học kéo dài 2 thập kỷ mới chỉ đạt 60%. Ông ấy cho rằng, chúng tôi vẫn còn may mắn, bởi họ có đất 20 năm nay chưa thể xin được giấy phép xây dựng bệnh viện kỹ thuật cao Hoà Hảo”, ông Trí nói và khẳng định, vướng mắc lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp nằm ở các cơ chế, đặc biệt thủ tục hành chính. 

Tin liên quan
Tin khác