Ảnh minh hoạ. |
Đó là thông điệp của Bộ Tài chính trong báo cáo phục vụ phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 26/4.
Báo cáo bổ sung năm 2022, Bộ Tài chính cho biết bội chi ngân sách nhà nước dự toán là 404.300 tỷ đồng (4,3% GDP); báo cáo Quốc hội ước đạt 421.300 tỷ đồng (bao gồm tăng bội chi cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội). Kết quả thực hiện khoảng 342.600 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP thực hiện, giảm 61.700 tỷ đồng so dự toán; trong đó bội chi ngân sách Trung ương giảm 45.900 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phượng giảm 15.800 tỷ đồng.
Đến hết ngày 31/12/2022, dư nợ công khoảng 38% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34,7% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 36,8% GDP, thấp hơn trần quy định.
Về tình hình thu, chi quý I/2023, tổng thu đạt 494.000 tỷ đồng, bằng 30,5% dự toán, tăng 2,2% so cùng kỳ năm 2022. Tổng chi quý I ước đạt 363.400 tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2022.
Những tháng còn lại của năm, theo Bộ Tài chính, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát, rủi ro thị trường ngân hàng, tài chính; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách năm 2023.
Báo cáo cũng nêu các giải pháp cần chú trọng thực hiện để hoàn thành các mục tiêu dự toán ngân sách năm 2023. Như, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo dõi sát sao tình hình kinh tế thế giới và trong nước; dự báo và đánh giá đúng tình hình, nhận diện kịp thời các rủi ro, đề xuất giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Giải pháp tiếp theo là tổ chức điều hành chi ngân sách. Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản kinh phí thường xuyên ngân sách Trung ương đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương nhưng đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Vẫn trong phần giải pháp còn có việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. cũng là nội dung được đề cập.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính nêu định hướng song không nêu cụ thể dự kiến chính sách.
Về kết quả thực hiện chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính cho biết tổng số thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất hết năm 2022 khoảng 200.300 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, ngân sách nhà nước đã bổ sung 4.361 tỷ đồng cho 32 địa phương để thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ (lũy kế đến nay đã bổ sung 4.389 tỷ đồng cho 38 địa phương).
Ngân sách cũng đã thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng (2%) cho các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng chính sách xã hội đến hết năm 2022 là 859 tỷ đồng.
Tại phiên thẩm tra, một số ý kiến đại biểu cho rằng báo cáo của Bộ Tài chính còn thiếu phần đánh giá thị trường tài chính, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.
Báo cáo tổng thể do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trong giải pháp thời gian tới có điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công.
Hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế là một biện pháp tốt nhưng đề nghị cần đánh giá toàn diện vì việc giãn, hoãn, giảm thuế có nhiều tác động cả tích cực và cũng không loại trừ có cả tiêu cực, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, đại. biểu Phan Đức Hiếu nêu quan điểm tại phiên thẩm tra.