Doanh nghiệp
Tiếp tục “kèm” 5 tổng công ty giao thông dù đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
Anh Minh - 12/11/2018 22:33
Ngay cả khi đã chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT vẫn sẽ theo sát để hỗ trợ của 5 tổng công ty.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu chứng kiến Lễ ký chuyển giao

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và  Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký biên bản chuyển giao nguyên trạng quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Trong số này, VNR có vốn vốn điều lệ là 3.250 tỷ đồng, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ là 100%; Vietnam Airlines có số vốn điều lệ là 12.275,3 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp là 86,16%; VEC có vốn vốn điều lệ là 1.018 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nắm giữ là 100%; ACV có số vốn điều lệ là 21.771 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp là 95,4%; Vinalines có số vốn điều lệ 10.693 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ là 100%.

Nội dung bàn giao gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như: Quyết định thành lập doanh nghiệp; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...

“Có 3/5 tổng công ty giao thông vừa chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước được xếp vào diện những ca khó trong số các tập đoàn, tổng công ty sẽ về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trong đợt này”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá.

Cụ thể, đối với VEC đó là việc quy mô vốn điều lệ quá nhỏ (khoảng 1.000 tỷ đồng) so với quy mô tổng tài sản hiện đã lên tới gần 100.000 tỷ đồng và vẫn đang trong giai đoạn báo cáo, giải trình với Bộ Chính trị việc tái cơ cấu 5 dự án đường cao tốc do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư. Đối với ACV đó là việc xử lý những vướng mắc liên quan xử lý tài sản khu bay.

trong quá trình cổ phần hóa ACV và theo phương án cổ phần hóa ACV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng khu bay (đường CHC, đường lăn) được loại trừ, không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Nói cách khác, cho đến nay, toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng khu bay vẫn là tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

Đối chiếu với quy định của pháp luật thì, việc đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng khu bay phải được thực hiện theo các nguyên tắc và quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Theo đó, mọi tài sản nhà nước được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế, do “bỏ ngỏ”, chưa có cơ chế quản lý, khai thác tài sản thuộc khu bay nên từ sau khi cổ phần đến nay, ACV vẫn tiếp tục quản lý, khai thác cho hoạt động phục vụ ngành hàng không.

Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của ACV của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ: Theo Báo cáo tài chính của ACV cho niên độ từ ngày 1/4/2016 đến ngày 31/12/2016 được lập vào ngày 6/6/2017, doanh thu và chi phí liên quan đến hoạt động tại khu bay được tách riêng và chênh lệch doanh thu lớn hơn chi phí của khu bay là 600 tỷ đồng, hiện ACV đang quản lý nguồn thu này. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị nộp khoản tiền này vào Ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, mặc dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng Vinalines vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, kết quả IPO không đạt được kỳ vòng và Nhà nước vẫn sẽ nắm tuyệt đại đa số vốn điều lệ tại doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển; cảng biển lớn nhất nước.

Đây là lý do khiến Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổng công ty giao thông đang tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

“Các đơn vị được bàn giao về một cơ quan có chuyên môn sâu hơn, chuyên nghiệp hơn sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Việc chuyển giao các đơn vị không hề làm suy giảm mà còn là động lực khiến các đơn vị làm tốt hơn nhiệm vụ của mình nâng cao hiệu quả hoạt động”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Về 5 đơn vị được chuyển giao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, đây là các đơn vị máu thịt của Ngành GTVT đã gắn bó và góp phần vào lịch sử xây dựng và phát triển Ngành.

“Do đó, dù có chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn thì kết quả hoạt động cũng như các tồn tại của các đơn vị liên quan đến chuyên môn, lĩnh vực vẫn sẽ có một phần trách nhiệm của Bộ GTVT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói đồng thời cam kết với Phó Thủ tướng và các đơn vị, Bộ GTVT sẽ luôn bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành để 5 TCT hoạt động bình thường, thậm chí tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết lãnh đạo Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Ủy ban QLVNN giải quyết căn bản các vấn đề còn tồn tại hiện nay của các đơn vị này.

Tin liên quan
Tin khác